Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Cú hích với nền kinh tế quy mô nhỏ

Theo Vi Diệu/vietnamplus.vn

Theo phân tích của Nomura (Nhật Bản), cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ là cú hích với nền kinh tế quy mô nhỏ, song sự bất ổn của nó có thể làm lu mờ những lợi ích mà các nước thứ ba đang được hưởng.

Nhiều nước châu Á đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Business Standard
Nhiều nước châu Á đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Business Standard

Theo một nghiên cứu mới đây của công ty tài chính Nomura Holdings (Nhật Bản), khi Mỹ và Trung Quốc liên tục "dằn mặt" nhau bằng những hàng rào thuế quan, các nước thứ  ba sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu những sản phẩm của họ thay thế được cho các loại hàng hoá mà hai cường quốc lớn nhất thế giới đang áp thuế lẫn nhau.

Nghiên cứu của Nomura Holdings chỉ ra rằng: Các công ty đa quốc gia sản xuất các mặt hàng máy móc linh kiện điện thoại di động,  máy xử lý dữ liệu tự động, đồ nội thất... đang sản xuất tại Trung Quốc sẽ nhanh chóng chuyển hướng sang các nhà máy bên ngoài Trung Quốc và Việt Nam là điểm đến số một.

Cùng đó, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ lựa chọn các sản phẩm như vải bông, bảng mạch điện và một số đồ điện tử khác của Việt Nam thay vì Mỹ.

Các phân tích của Nomura Holding từ đó nhận định, ở bối cảnh này, Việt Nam đang là nước được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt ở trong năm đầu tiên của "cuộc chiến." Nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng gần 8% do các nhà nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm những nguồn cung mới để tránh bị đánh thuế nặng nề.

Cũng theo báo cáo trên, sau Việt Nam, các nước được hưởng lợi nhiều tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan, hai quốc gia có nền công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử rất phát triển và hoàn toàn đủ sức thay thế cho Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà kinh tế Nhật Bản cũng cảnh báo rằng nền kinh tế của Hàn Quốc và Đài Loan cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những sự bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Theo các số liệu của Nomura, GDP Quý I/2019 của Hàn Quốc đã giảm 0,4% so với Quý IV/2018. Trong khi đó, xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 4/2019 đã giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù Đài Loan hưởng lợi từ việc các nhà nhập khẩu Mỹ tìm kiếm nguồn cung mới, nhưng hòn đảo này lại chịu nhiều thiệt hại hơn do nguồn cung từ Trung Quốc giảm đáng kể. Trung Quốc vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, chiếm khoảng 29% lượng hàng xuất khẩu của hòn đảo này.

Các chuyên gia của Nomura Holdings nhận định, hiệu ứng từ sự chuyển dịch này là tương đối nhỏ so với quy mô GDP của Mỹ và Trung Quốc, song nó sẽ đem lại một cú hích đáng kể đối với những nền kinh tế quy mô nhỏ của các nước thứ ba.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng, những sự bất ổn đến từ cuộc chiến Mỹ-Trung có thể sẽ làm lu mờ những lợi ích mà các nước thứ ba đang được hưởng.