Cưỡng chế đối tượng lợi dụng dịch bệnh, cố tình chây ỳ nợ thuế


Thời gian qua, ngành Thuế đã rà soát, phân loại đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhằm có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn. Cùng với đó, cơ quan thuế cũng cưỡng chế với những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để cố tình chây ỳ nợ thuế.

Đến ngày 30/6/2020, toàn hệ thống thuế đã thu hồi được 15.222 tỷ đồng nợ thuế. Nguồn: internet
Đến ngày 30/6/2020, toàn hệ thống thuế đã thu hồi được 15.222 tỷ đồng nợ thuế. Nguồn: internet

Rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân. Trước tình hình này, Tổng cục Thuế đã kịp thời có các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, khi Covid-19 bùng phát, cơ quan thuế đã tập trung rà soát, phân loại những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, cơ quan thuế các cấp đã áp dụng biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ.

Theo ông Toản, việc rà soát, phân loại doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không chỉ thu hồi nợ đọng, mà quan trọng hơn là tìm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo đó, Tổng cục Thuế đã kịp thời tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và 29 ngành nghề; kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước đó, khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ và thực hiện xử lý gia hạn nộp nợ thuế, nộp dần tiền thuế nợ, miễn tiền chậm nộp theo Luật Quản lý thuế.

Cưỡng chế đối tượng chây ỳ nợ thuế

Do cả hệ thống chính trị tập trung vào nhiệm vụ số một là phòng chống Covid-19, không ít doanh nghiệp đang nợ thuế đã lợi dụng dịch bệnh, cố tình chây ỳ nợ thuế. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh, cơ quan thuế cũng phải có các biện pháp xử lý đối với những trường hợp cố tình chây ỳ.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết, với các trường hợp nợ thuế, cơ quan thuế đều rà soát, ban hành thông báo nợ bằng phương thức điện tử để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế đã rà soát 6.300 doanh nghiệp nợ thuế trên 1 tỷ đồng, với tổng số tiền thuế nợ là 60.800 tỷ đồng; ban hành khoảng 19,667 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp; thu hồi được 15.222 tỷ đồng tiền nợ thuế có khả năng thu từ năm 2019 chuyển sang, đạt 44,6% kế hoạch. 

Ông Đoàn Xuân Toản cho biết thêm, với trường hợp lợi dụng dịch bệnh, cố tình chây ỳ nợ thuế, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, đặc biệt là những trường hợp có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

6 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế đã ban hành 61.800 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 9.000 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 745 quyết định cưỡng kê biên tài sản, thu tiền tài sản; 14.800 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công khai 76.400 doanh nghiệp chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn.

Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ năm 2020, đưa số nợ thuế đến cuối năm 2020 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu vào ngân sách nhà nước, cơ quan thuế sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, đảm bảo xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, tránh trục lợi, thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế đã rà soát 6.300 doanh nghiệp nợ thuế trên 1 tỷ đồng, với tổng số tiền thuế nợ là 60.800 tỷ đồng; ban hành khoảng 19,667 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp; thu hồi được 15.222 tỷ đồng tiền nợ thuế có khả năng thu từ năm 2019 chuyển sang, đạt 44,6% kế hoạch.