Đa dạng hóa các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết toàn diện nhất về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã và đang gặp không ít khó khăn về nguồn vốn ngân sách hỗ trợ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc phát huy nội lực, nâng cao tính chủ động là một việc làm cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Những đổi mới từ Chương trình nông thôn mới
Sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình đã đạt được những kết quả khá rõ rệt... Các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, còn tồn tại trên địa bàn và có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện Chương trình.
Nhờ đó, tốc độ đạt tiêu chí NTM của các xã tăng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân được các địa phương quan tâm xây dựng, nâng cấp; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể; công tác tổ chức sản xuất được đổi mới thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất với mô hình “cánh đồng lớn”, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM ở một số địa phương cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó huy động nguồn lực cho xây dựng NTM đang có những tồn tại và hạn chế đáng chú ý sau:
Thứ nhất, cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng và chưa quan tâm tới đặc thù từng địa phương. Thực tế các địa phương mới chỉ tiến hành ghép vốn đối với các công việc, mục tiêu có cùng nội dung. Tuy nhiên, điều này lại gây khó trong tổng hợp kết quả đạt được của từng dự án, chương trình từ việc ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn.
Thứ hai, công tác quy hoạch, xây dựng đề án (kế hoạch) NTM của xã theo 19 tiêu chí được coi là điều kiện tiên quyết của Chương trình, song đến nay, công tác này triển khai tại một số địa phương còn lúng túng và chậm.
Thứ ba, nguồn lực cần thiết cho xây dựng NTM là rất lớn. Chính phủ đã đưa ra phương thức hướng dẫn là vốn đóng góp từ dân khoảng 10%, từ doanh nghiệp (DN) 20%, từ tín dụng 30% và từ ngân sách nhà nước là 40%. Trong đó, giai đoạn đầu, vốn ngân sách đóng vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa tạo đà và tạo niềm tin để huy động các khoản đóng góp khác. Tuy nhiên, vốn ngân sách trung ương hiện còn rất thấp.
Nhận thức được vai trò của đầu tư tư nhân là rất quan trọng đối với xây dựng NTM, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện, sự chuyển biến dường như là không đáng kể. Các DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ tư, trong cơ cấu đầu tư xây dựng NTM, đa phần các xã đều tập trung vào xây dựng hạ tầng (có nơi chiếm đến 95% tổng nguồn lực), ít chú ý đến đầu tư cho sản xuất và văn hóa. Đó là những trở ngại lớn trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay.
Huy động vốn cho xây dựng nông thôn mới
Ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là phấn đấu đến năm 2020 số xã đạt chuẩn NTM khoảng 50% (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28%, Đồng bằng sông Hồng: 80%, Bắc Trung Bộ: 59%, Duyên hải Nam Trung Bộ: 60%, Tây Nguyên 43%, Đông Nam Bộ 80%, Đồng bằng sông Cửu Long 51%)...
Để quá trình xây dựng NTM thành công, trong giai đoạn tới, cần tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, trong đó đa dạng hóa các nguồn vốn cho NTM có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020.
Đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện xây dựng NTM cũng chính là một trong những nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 tổ chức tháng 10/2016.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình thông qua các hình thức lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; tăng cường huy động vốn đầu tư của DN đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao.
Hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trên địa bàn nông thôn, công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua…
Để triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đa dạng hóa nguồn vốn, thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, cần ưu tiên triển khai lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình NTM để phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình xây dựng NTM cần đầu tư tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn.
Song song với đó, cần huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, ngân sách các cấp, bố trí lồng ghép, huy động mọi nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung xây dựng NTM. Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các tiêu chí có thể tạo nên sự phát triển đột phá, có tính chất lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình theo kế hoạch hằng năm; đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo kế hoạch đề ra.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; Rà soát, hoàn thiện Bộ tiêu chí xây dựng NTM thể hiện đầy đủ các nội dung của Chương trình, đồng thời phản ánh đặc thù của các địa phương. Xây dựng, ban hành chính sách đối với các vùng đặc thù, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân làm chủ trong xây dựng NTM theo cơ chế đầu tư đặc thù rút gọn; Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện Chương trình.
Ba là, tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn nông dân vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, thực hiện tốt các cơ chế tín dụng có liên quan.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích các DN đầu tư, liên kết với các xã NTM. Sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các khoản huy động hợp pháp khác để xây dựng NTM.
Năm là, chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến vật kiến trúc, cây lâu năm, quyền sử dụng đất... góp phần cùng nhà nước thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình.
Tài liệu tham khảo:
1. http://nongthonmoi.gov.vn/vn/tintuc/Lists/ktsx/View_Detail.aspx?ItemID=7;
2. http://www.mard.gov.vn/Pages/news_detail.aspx?NewsId=22798;
3. http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/37/42969/thi-diem-nhan-trong-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi.