Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới

PV.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là thách thức rất lớn trong bối cảnh những xã có điều kiện thuận lợi đã về đích trong giai đoạn trước (2011-2015); yêu cầu về chất lượng thực hiện các tiêu chí của giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi cao hơn...

Ngày 23/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hà Nội.
Ngày 23/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hà Nội.

“Nếu đến năm 2020 không đạt được định mức 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) thì khó đạt nền nông nghiệp công nghiệp bởi mỗi xã NTM là một tế bào của nền nông nghiệp. Điều quan trọng là trong thời gian tới phải có giải pháp xây dựng NTM đạt mục tiêu đề ra...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2016 và triển khai Kế hoạch năm 2017; các biện pháp thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ; những thuận lợi, khó khăn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Từng bước có giải pháp xử lý, khắc phục vấn đề nợ xây dựng cơ bản

Đặt ra một số câu hỏi với ngành Nông nghiệp là làm thế nào để thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu: Bộ NN&PTNT cần nêu rõ những “chướng ngại, khó khăn” chủ quan và khách quan hiện nay cần tháo gỡ, đặc biệt đối với vấn đề NTM để đạt mục tiêu trên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển:
Nếu đến năm 2020 không đạt được định mức 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì khó đạt nền nông nghiệp công nghiệp bởi mỗi xã là một tế bào của nền nông nghiệp. Điều quan trọng là trong thời gian tới phải có giải pháp xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra...

"Vấn đề xây dựng NTM là nhiệm vụ rất cấp thiết, hiện nay có 60-70% lao động chủ yếu tập trung ở nông thôn, làm thế nào để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đối với lực lượng này? Nếu đến năm 2020 không đạt được định mức 50% số xã đạt chuẩn NTM thì khó đạt nền nông nghiệp công nghiệp bởi mỗi xã NTM là một tế bào của nền nông nghiệp. Điều quan trọng là trong thời gian tới phải có giải pháp xây dựng NTM đạt mục tiêu đề ra...", ông Hiển nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến 15/02/2017, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có xã đạt chuẩn NTM; cả nước có 2.578 xã (28,9%) đạt chuẩn NTM; còn 257 xã dưới 05 tiêu chí (2,88%) giảm 69 xã so với cuối năm 2015. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,47 tiêu chí/xã (tăng 1,23 tiêu chí/xã so với năm 2015). Có 32 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Thông tin về kết quả huy động nguồn lực, theo tổng hợp của các địa phương, trong năm 2016, cả nước đã huy động được khoảng 228.398 tỷ đồng thực hiện chương trình, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp là 7.374 tỷ đồng (3,2%), ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp 28.152 tỷ đồng (12,3%) và lồng ghép từ chương trình, dự án khác 23.889 tỷ đồng (10,4%); tín dụng là 136.693 tỷ đồng (chiếm 59,7%); từ doanh nghiệp là 13.542 tỷ đồng (5,9%); cộng đồng dân cư và nguồn khác là 19.504 tỷ đồng (8,5%).

Về xử lý nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM, các địa phương đã chủ động và từng bước có giải pháp xử lý, khắc phục vấn đề nợ xây dựng cơ bản. Theo tổng hợp nhanh của 25 địa phương có số nợ lớn (trên 100 tỷ đồng vào thời điểm 31/01/2016) thì đến nay đã có 17/25 tỉnh đã giảm được số nợ với tổng mức giảm là 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8%. Tổng số nợ còn lại đến tháng 12/2016 khoảng 9.654 tỷ đồng (so với mức 15.277 tỷ đồng vào 31/01/2016).

Kiến nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn NTM là thách thức rất lớn trong bối cảnh những xã có điều kiện thuận lợi đã về đích trong giai đoạn trước (2011-2015); yêu cầu về chất lượng thực hiện các tiêu chí của giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi cao hơn... Cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng NTM, nhất là nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp chưa có sự đột phá so với giai đoạn trước.

Để thực hiện Chương trình, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị cho phép rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Theo đó, trong năm 2017, Bộ NN&PTNT tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT thực hiện 11 nội dung thành phần của Chương trình; trong đó chủ yếu là tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất...

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 ở các cấp; bổ sung nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và chấp thuận bổ sung các xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long được áp dụng hệ số đặc thù trong phân bổ vốn...

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển còn bàn luận thêm với Bộ NN&PTNT về vấn đề hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề tích tụ ruộng đất, bảo vệ nguồn nước...

Để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét bổ sung vốn đầu tư công trung hạn cho ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phục hồi sản xuất sau thiên tai và chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, khoảng 9.000 tỷ đồng.