Đã đến lúc chứng tỏ xuất sắc giải quyết thách thức về kinh tế
Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập.
Theo Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã có những nhận định về tác động của dịch bệnh đến tình hình kinh tế, việc làm tại Việt Nam và khung chính sách hiệu quả để đối phó với đại dịch COVID-19 của.
TS. Chang-Hee Lee đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập. Chắc chắn có thể có những lĩnh vực có thể làm tốt hơn. Nhưng tôi tin rằng gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với COVID-19 bao gồm: Kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc.
Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu COVID-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai. Từ đó người đứng đầu Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh ba vấn đề.
Thứ nhất, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc. Đây là điều mà chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy. Nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống.
Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe.
Điều này sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm. Để làm được điều đó, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận.
Đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện nhằm giảm thiểu khả năng dẫn tới bất ổn xã hội. Điều đó sẽ giúp nền kinh tế hồi phục khi COVID-19 được khống chế. Về phương diện này, Việt Nam đã có một số sáng kiến hay, chẳng hạn như những gì Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng vừa thực hiện.
Tôi muốn nói thêm về mối liên quan giữa giữ việc làm, kinh doanh an toàn và thúc đẩy các ngành dịch vụ. Chẳng hạn, việc luân phiên lực lượng lao động theo ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội. Hoặc nhà máy có thể chia ca làm việc, ví dụ một số người lao động bắt đầu từ 7 giờ sáng, một số khác lúc 11 giờ trưa và tốp còn lại bắt đầu lúc 3 giờ chiều.
Cách này có thể đảm bảo giãn cách xã hội không chỉ trong phạm vi nhà máy mà còn cả ở ngoài phố nữa, do người lao động cần di chuyển đến và đi từ nơi làm việc. Nó cũng tạo tác động tích cực, chẳng hạn đối với các ngành dịch vụ, bởi vì người lao động có thể đến nhà hàng, quán ăn, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, trong các khung thời gian khác nhau phù hợp với thời gian làm việc của họ, nên có thể giúp tăng số lượng khách hàng và duy trì giãn cách xã hội ở các địa điểm đó. Điều này giúp đảm bảo kinh doanh an toàn, giữ việc làm và thúc đẩy tiêu dùng nội địa đồng thời.
Thứ hai, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, đại dịch hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khả năng khu vực kinh tế này đối phó với cú sốc kinh tế xã hội.
Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp - nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ ba, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ.
Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này. Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức Liên Hiệp Quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn.