Phát triển kinh tế hậu Covid-19: Tạo cú hích từ đột phá chính sách
Với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ và cần nhiều giải pháp để phục hồi. Bên cạnh nỗ lực từ nội tại, nhiều “hiến kế” của giới doanh nhân trong và ngoài nước cũng đã được đưa ra với các góc nhìn khác nhau.
Với kinh nghiệm đầu tư nhiều lĩnh vực và cọ sát thực tế tại Việt Nam cũng như Canada, Hoa Kỳ và Singapore, chia sẻ trên báo Công thương, doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn cho biết, những chỉ tiêu, dự báo và kế hoạch cho việc phát triển kinh tế ở hầu hết các quốc gia vùng lãnh thổ đều bị đảo chiều, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, tất nhiên trong đó có Việt Nam.
Việt Nam cần có cách nhìn và có chính sách phù hợp, nắm bắt cơ hội để khắc phục nhanh, mạnh nền kinh tế sau hậu dịch bệnh Covid-19.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế trong những năm qua, tuy nhiên Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển với thặng dư ngân sách “mỏng” (khoảng hơn 75 tỷ đô la Mỹ). Tăng trưởng quốc nội (GDP) năm 2019 đạt 267 tỷ đô la Mỹ. Vào thời điểm hiện tại, để hỗ trợ nhiều đối tượng trong xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi gói hỗ trợ hơn 60 ngàn tỷ VNĐ tương đương gần 3 tỷ USD. Bên cạnh đó là hàng chục tỷ đô la Mỹ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kinh doanh sản xuất như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thu thuế tài nguyên, giảm nợ lãi ngân hàng, thất thu bảo hiểm xã hội và y tế…
Thống kê cho thấy, dòng vốn cho đầu tư trong nước thông qua thị trường chứng khoán đã giảm hơn 30% so với tháng 12/2019. Tỷ giá đô la Mỹ biến động theo chiều tăng lên từng ngày. Giá dầu thô giảm kỷ lục chỉ còn 20 USD/thùng so với giá khai thác của Việt Nam gần 50 USD/thùng. Đầu tư nước ngoài FDI theo báo cáo đã giảm 35%, có dấu hiệu chững lại. Theo dự đoán cá nhân, dòng tiền kiều hối năm nay có thể chỉ bằng 1/3 năm 2019.
Việt Nam cần phải nhìn thẳng vào sự thật để tính toán, đưa ra những giải pháp chuẩn xác cả trong ngắn hạn và dài hạn, không chỉ 6 tháng hay 1 năm mà ít nhất là 3-5 năm để thực hiện phương án: Khôi phục - Bình ổn - Tăng trưởng.
Theo đó, ở giai đoạn khôi phục, với thành quả trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, tôi dự đoán dịch bệnh sẽ được đẩy lui sớm nhất là hết tháng 6/2020.
Tuy nhiên, ở giai đoạn bình ổn, Việt Nam cần tới 9 tháng (dự đoán đến tháng 4/2021), bởi vì nguyên vật liệu và thiết bị chúng ta phải nhập khẩu rất nhiều.
Ở giai đoạn tăng trưởng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống các doanh nghiệp sản xuất trong việc tái đầu tư, mở rộng sản xuất, xuất khẩu; phát huy tối đa các dòng vốn như vậy sẽ tạo công ăn, việc làm cho người lao động, kích thích tiêu dùng… Với nhân lực dồi dào và tinh thần quyết tâm vươn lên, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh và chỉ cần 12 tháng sau khi bình ổn.
Để đạt được đúng kịch bản nêu trên, thiết nghĩ cần đưa ra các chính sách đột phá phù hợp như sau:
Về an ninh lương thực: Đất nước đã có vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long và hỗ trợ từ đồng bằng Bắc bộ. Với giống mới và áp dụng công nghệ nuôi trồng tiên tiến, chúng ta khẳng định rằng 1 năm sản xuất sẽ đủ lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong vòng 3 năm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cân nhắc cẩn trọng. Chính phủ phải có chính sách để làm hài hoà lợi ích cho các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng này.
Về an toàn đầu tư: Giữa lúc các nhà đầu tư trong nước co cụm bảo vệ chính mình, các nhà đầu tư FDI thoái vốn, dừng mở rộng đầu tư và giảm đăng ký kinh doanh. Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp đầu tư. Đặc biệt, tận dụng mọi lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Về công nghiệp sản xuất và phụ trợ: Cần xác định những gì mà các hãng, xưởng, nhà máy lớn của thế giới cần và Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ sản xuất này. Nhiều năm qua chúng ta bế tắc trong việc ngành gì, mặt hàng nào là chiến lược cốt lõi, dẫn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn làm mà không biết làm gì, làm từ đâu và làm thế nào. Trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để có quyết định chính xác, dẫn dắt doanh nghiệp thực hiện.
Trên hết, Chính phủ Việt Nam cần ngay một chính sách đột phá, tạo cú hích mạnh cho nền kinh tế với phương châm thuận lợi nhất và tốt nhất để các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ để triển khai thực hiện, ổn định sản xuất, giữ người lao động và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng. Có như vậy mới là chính sách thành công của Chính phủ.