Đã đến lúc nhà đầu tư phải "chọn mặt gửi vàng"
Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn luôn hiện hữu nhưng không còn dễ dàng như giai đoạn trước, thị trường có sự phân hoá tương tự như sức đề kháng khác nhau của từng doanh nghiệp, nhóm ngành khiến các quyết định ngày càng “cân não” nhà đầu tư.
Theo ông Lê Quang Minh - Giám đốc Phân tích Đầu tư CTCK Mirae Asset Việt Nam cho rằng những bước điều chỉnh của thị trường hiện tại là cơ hội để đầu tư, cho hai ba năm tới mà không chỉ là 6 tháng cuối năm 2021.
Tuy nhiên, sau suốt một thời gian dài cứ mua là thắng, đã tới lúc phải “chọn mặt gửi vàng”. Nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những cái tên chất lượng hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ thị trường với việc sở hữu trên 98,5% tài khoản giao dịch và trên 83% giá trị giao dịch chứng khoán/phiên.
Dựa trên các yếu tố cơ bản, Mirae Asset đã đưa ra khuyến nghị đối với 5 nhóm ngành dựa trên tiêu chí vẫn giữ được tăng trưởng thậm chí tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ Covid, bao gồm công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp.
Ông Quang Minh cho biết, ở lĩnh vực công nghệ thông tin, có những doanh nghiệp niêm yết đang tăng trưởng nhanh hơn cả giai đoạn không có Covid-19 nhờ nhu cầu chuyển đổi số đang tăng lên.
Còn đối với ngành nguyên vật liệu, dù hiện vẫn đang trong giai đoạn ảnh hưởng từ Covid-19 có thể xuất hiện những cú sốc về giá, nhưng nhìn dài hạn khi nền kinh tế phục hồi giá vẫn sẽ tăng như sắt, thép, cao su… Triển vọng của các ngành này sẽ tiếp tục phản ánh qua báo cáo tài chính các quý tới.
Theo đó, cổ phiếu một số ngành nguyên vật liệu sẽ còn tiến đến đỉnh cao mới. Nhất là khi sự khan hiếm diễn ra cục bộ khi đứt gãy nguồn cung, chênh lệch cung cầu tăng đột ngột.
Dù đã đi qua đỉnh của chu kỳ lợi nhuận nhưng ngành ngân hàng vẫn được đánh giá là ít bị ảnh hưởng nhất của dịch bệnh. Về cơ bản, các ngân hàng vẫn đang có kết quả kinh doanh tốt, nhất là khi NHNN ban hành Thông tư 03 cho phép giãn thời gian trích lập dự phòng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng cũng đã đi qua giai đoạn tăng giá mạnh nhưng cũng đã điều chỉnh đáng kể trong thời gian qua. Trong giai đoạn tới, nhóm cổ phiếu này có thể không còn tăng giá tốt như trước đây nhưng vẫn được đánh giá là nhóm trọng điểm, “lèo lái” chỉ số chứng khoán bởi tỷ trọng vốn hoá chiếm tới 20%.
“Vn-Index chỉ lên được khi các cổ phiếu ngân hàng tốt”, ông Minh nhận định. Còn với ngành chứng khoán, Covid-19 thực sự đã mang lại cơ hội khi lượng nhà đầu tư tăng lên “chóng mặt” đã thúc đẩy quá trình tăng vốn diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, rút ngắn lộ trình chuyển đổi số eKYC.
Ngành logistics hưởng lợi từ đặc thù nền kinh tế Việt Nam và chu kỳ tăng giá của chu kỳ logistics khiến khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, có thể cao đột biến. Nhìn về dài hạn, đây còn ngành này phục vụ cả nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam nên nhu cầu logistics là không bao giờ giảm sút.
Đối với ngành bất động sản khu công nghiệp, nhu cầu bất động sản công nghiệp phần nào được phản ánh khi nhiều nơi tìm đất khó và giá cao.
Đây là cơ hội cho doanh nghiệp còn quỹ đất hoặc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất khu công nghiệp. Các khu công nghiệp trong thời gian tới sẽ phát triển theo hướng không đơn thuần chỉ là cho thuê nhà xưởng mà có là các dịch vụ đi kèm là các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Đánh giá khả năng phòng chống và kiểm soát dịch bệnh là rủi ro lớn nhất của thị trường hiện tại, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra khuyến nghị lựa chọn các doanh nghiệp ít chịu sự tác động của Covid và có khả năng tồn tại trong bối cảnh giãn cách hiện tại.
Trong đó, lựa chọn được đại diện VDSC nêu ra là doanh nghiệp liên quan xu hướng số hóa. Không chỉ là doanh nghiệp công nghệ thông tin, bà Lam cho biết nhóm này còn gồm cả các nhóm ngành khác- có mức thâm dụng cao với số hóa như nhóm tài chính. Nhóm thứ hai là doanh ghiệp xuất khẩu và phụ trợ cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp có thể phục hồi dựa trên nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại của các đối tác thương mại lớn đã triển khai tốt chiến dịch tiêm vaccine và có những gói cứu trợ lớn.
Cùng đó, nhóm doanh nghiệp trong nước đang chủ động chuyển đổi trong mô hình kinh doanh, như doanh nghiệp dịch chuyển từ thương mại sang việc mở rộng thêm chuỗi giá trị… có thể tạo ra sức đề kháng giúp doanh nghiệp miễn nhiễm tác động của dịch bệnh hay diễn biến giá nguyên liệu.