Đã giải ngân 23 nghìn tỷ đồng cho chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bảo Ngọc

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 23 nghìn tỷ đồng cho khách hàng thuộc chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cần thêm 1.500 tỷ đồng nữa để hoàn thành chương trình trong năm 2025.

Thống đốc NHNN trả lời chất vấn trong phiên chiều 11/11.
Thống đốc NHNN trả lời chất vấn trong phiên chiều 11/11.

Trong phiên chất vấn ngày 11/11, Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) gửi câu hỏi tới Thống đốc NHNN về kết quả triển khai các chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ đã giao cho NHNN là đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về vùng dược liệu; Ủy ban Dân tộc cũng ban hành thông tư hướng dẫn về các đối tượng được tham gia chương trình mục tiêu này. Ngân hàng Chính sách xã hội dựa trên 2 thông tư hướng dẫn trên để ban hành các quy trình, thủ tục cho vay.

Đến nay, các khoản cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với chương trình này đạt 23 nghìn tỷ đồng, với trên 47 khách hàng. Trong đó, dư nợ tập trung ở chính sách đất ở, chuyển đổi nghề; đối với chính sách cho vay vùng dược liệu quý đến nay thì chưa phát sinh dư nợ.

Theo Thống đốc, khó khăn khi triển khai Chương trình này vẫn là vấn đề vốn. Vì Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã chỉ rất rõ, nguồn chi cho chương trình là ngân sách và tín dụng. Nguồn vốn tín dụng chính sách là 19.727 tỷ đồng, nhưng cho đến nay cũng còn vướng mắc vì chưa xác định được cụ thể. Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ nay đến hết năm 2025, cần khoảng 1.500 tỷ đồng nữa thì sẽ hoàn thành chương trình này.

Với Quyết định số 1719/QĐ-TTg, hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ chỉnh sửa theo hướng mở rộng đối tượng cũng như là nâng mức cho vay. 

Đối với câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là chương trình hợp tác ký kết giữa NHNN và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với mục tiêu là thúc đẩy, phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy việc thực hiện các  chính sách đối với các đối tượng và các hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có phụ nữ. Do đó, chương trình này không cần phải có thông tư hướng dẫn của NHNN. Sau ký kết, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, Ngân hàng chính sách xã hội và chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố để triển khai chương trình phối hợp này...