Gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội:

Đã giải ngân được khoảng 22 nghìn tỷ đồng

Văn Trường - Gia Hân

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 4/6/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tổng gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng, đến nay, đã giải ngân được khoảng 22 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính xác là 347 nghìn tỷ đồng thuộc tất cả các chương trình (không bao gồm 46 nghìn tỷ đồng dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa phải dùng đến, do nước ta kiểm soát tốt dịch bệnh). 

Như vậy, số tiền còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 301 nghìn tỷ đồng. Trong số tiền trên, đến nay, đã giải ngân được khoảng 22 nghìn tỷ đồng thuộc tất cả các chương trình, hoạt động khác nhau.

Phân tích cụ thể hơn về số tiền giải ngân trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, chương trình thứ nhất là hoạt động cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với đối tượng chính sách thuê mua nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện nay, ngân hàng này đã giải ngân được khoảng hơn 4,5 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng khách hàng vay vốn trên tổng số tiền được giao kế hoạch trong năm 2022 là khoảng 19 nghìn tỷ đồng.

Chương trình thứ hai là hỗ trợ công nhân thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 20/5/2022, đã thực hiện giải ngân đạt khoảng 1,7 tỷ đồng.

Chương trình thứ ba liên quan đến việc miễn, giảm thuế thu nhập. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, chương trình này đã hỗ trợ được khoảng 11.800 tỷ đồng trên tổng số 60 nghìn tỷ đồng. Chính sách miễn giảm thuế này được thực hiện ngay từ tháng 2/2022.

Cùng với triển khai 3 chương trình hỗ trợ trên, thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ thứ 4 về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong quy trình này, thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, khoản tương đương chi phí cơ hội thông qua việc giãn, hoãn, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là khoảng 135 nghìn tỷ đồng. Điều này đã tác động đến ngân sách nhà nước tương đương khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Thông tin về gói 113 nghìn tỷ đồng thuộc lĩnh vực đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, số tiền này được thực hiện theo đúng các bước, quy trình, quy định của pháp luật.

Hiện nay đã thực hiện xong bước đầu tiên là Thủ tướng Chính phủ thông báo với các bộ, ngành, địa phương lên quan danh mục dự án với số tiền cụ thể để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn hướng dẫn, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt các chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất để tổng hợp.

Bước tiếp theo là tổng hợp danh mục các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trình Chính phủ xem xét, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi phê duyệt. Đây là quy định theo Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội. Dự kiến, bước này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai trong khoảng quý III hoặc quý IV/2022.

Do vậy, sau khi Quốc hội phê duyệt xong, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cụ thể kế hoạch danh mục dự án, số vốn cho các bộ, ngành địa phương liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án theo quy định.

Trên cơ sở đó, bước tiếp theo là các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt quyết định đầu tư các chương trình dự án trong chương trình phục hồi. “Sau khi phê duyệt kế hoạch đầu tư, có vốn mới có thể bắt đầu triển khai các hoạt động, các biện pháp giải ngân là giải phóng mặt bằng, đấu thầu thi công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.