Tỉnh Đồng Nai:
Đa số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại
Đồng Nai đã trở lại trạng thái 'bình thường mới', mọi quy định dần được nới lỏng để doanh nghiệp (DN) khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên 92% DN trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã khôi phục sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy hoạt động hết công suất.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các DN đang liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Đồng thời, DN cũng tổ chức cho lao động đi, về hằng ngày, bỏ thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”.
Công nghiệp đang phục hồi
Trong các KCN của tỉnh Đồng Nai có khoảng 1.713 dự án đang hoạt động, khi xảy ra đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, chỉ có hơn 1,1 ngàn DN duy trì được sản xuất, còn lại gần 600 DN phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ cuối tháng 9/2021, tỉnh bắt đầu mở cửa, các DN bắt đầu hoạt động trở lại và nâng công suất các nhà máy, đáp ứng nguồn cung hàng hóa cho đối tác trong và ngoài nước.
Ông Lê Đức Vinh - Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa) cho biết: “Công ty có gần 1,5 ngàn người lao động, nhưng trong đợt dịch lần thứ 4 chỉ bố trí cho được 450 lao động lưu trú tại nhà máy để làm việc. Do đó, khi tỉnh có chính sách trở lại trạng thái “bình thường mới”, công ty đã đưa lao động trở lại nhà máy để tăng công suất sản xuất đảm bảo cho các đơn hàng. Công ty cũng đã đăng ký cho các lao động ở “vùng xanh” đi, về hằng ngày và cố gắng kiểm soát thật tốt dịch bệnh”.
Trong thời điểm xảy ra làn sóng dịch lần thứ 4, các DN trong KCN trên địa bàn tỉnh chỉ duy trì cho hơn 134 ngàn/615 ngàn lao động làm việc trong các nhà máy, chiếm tỷ lệ gần 22% thì đến nay đã có trên 497 ngàn lao động trở lại làm việc, đạt trên 82%. Theo các DN, nếu dịch bệnh được kiểm soát ổn định, không xảy ra các ca F0 trong công ty thì thời gian phục hồi sản xuất của các công ty có thể chỉ mất 2-3 tháng. Nhiều DN có thuận lợi là phía đối tác cho kéo dài thời gian giao hàng và đặt thêm đơn hàng mới.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (KCN Long Đức, H. Long Thành) cho hay, trong những tháng giãn cách xã hội, Lixil chỉ tổ chức cho 800/1.500 lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, theo đó số lượng hàng hóa làm ra giảm gần một nửa.
Tuy nhiên, Lixil được các đối tác chia sẻ khó khăn bằng cách cho kéo dài thời gian giao hàng và giữ nguyên các đơn hàng. Do đó, khi tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”, công ty đã đăng ký cho toàn bộ lao động “vùng xanh” trở lại nhà máy làm việc để tăng công suất. Dự tính, năm 2021, doanh thu của công ty đạt 120 triệu USD.
Vẫn còn nhiều thách thức
Vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã giao cho DN chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất. Các DN đều lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên nguy cơ dịch bùng phát tại các nhà máy vẫn còn khá cao nếu DN không có quy định quản lý chặt chẽ nguồn lao động bổ sung hoặc đi, về hằng ngày. Những DN có đông công nhân, việc phòng, chống dịch đòi hỏi nghiêm ngặt vì xảy ra một vài ca F0 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.
Bên cạnh đó, xử lý phòng, chống dịch không tốt còn ảnh hưởng đến uy tín với các nhãn hàng. Đơn cử như Công ty TNHH Changshin Việt Nam (KCN Thạnh Phú, H. Vĩnh Cửu) mới đây không may xuất hiện hàng chục ca F0.
Ông Phạm Văn Cường - Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Tình hình dịch bệnh đã giảm, nhiều DN đã hoạt động trở lại nhưng nguy cơ dịch bùng phát vẫn còn. Do đó, các DN phải thực hiện nghiêm 5K, có khu cách ly F0, F1 để trường hợp xảy ra dịch có thể xử lý kịp thời, hạn chế được lây lan. DN khi phát hiện ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 thì phải báo ngay với ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai để hỗ trợ xử lý, khoanh vùng, truy vết F1”.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã thay đổi quan điểm chuyển từ “Zero COVID-19” sang “sống chung an toàn với COVID-19” để khôi phục nền kinh tế. Trong tình hình mới, DN phải chấp nhận vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất. Đồng Nai quy định, trường hợp xảy ra ca F0 trong nhà máy thì khoanh vùng quy mô nhỏ, phun xịt khử khuẩn, sau vài ngày, DN đảm bảo lao động sẽ cho khôi phục sản xuất, ít ảnh hưởng đến các đơn hàng.
Theo bà Delphine Rousselet - Giám đốc điều hành Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, Eurocham có trên 1,1 ngàn DN thành viên tại Việt Nam. Trong đó, có nhiều thành viên Eurocham đang đầu tư vào Đồng Nai nên mở cửa giúp cho các DN thuận lợi hơn trong khôi phục sản xuất, kinh doanh. Eurocham đề xuất tỉnh triển khai nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động và cộng đồng, đồng ý cho DN đón người lao động từ tất cả các khu vực trở lại sản xuất kể cả F1, F2 nhưng phải đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch 5K.
Hiện nay, các DN tại Đồng Nai đang trên đà phục hồi khá tốt, dự tính tháng 10/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tăng hơn 11,2% so với tháng trước, kéo theo xuất khẩu tăng gần 300 triệu USD.