Thụ hưởng chính sách hỗ trợ thuế, phí: Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Bên cạnh sự đồng hành của cơ quan Thuế, để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãnh đạo Tổng cục Thuế khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động trong việc theo dõi, tìm hiểu về nội dung chính sách và thủ tục áp dụng.
Nhiều giải pháp trợ lực doanh nghiệp
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Vũ Xuân Bách, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí nhằm giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để tiếp tục hỗ trợ về nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp như: tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng trong năm 2020 và 2021; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19…
Ông Vũ Xuân Bách cũng cho biết, mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 với 4 giải pháp hỗ trợ bao gồm: giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế cho hộ và cá nhân kinh doanh; giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ; miễn tiền chậm nộp của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Ngay khi được ban hành, ngành Thuế đã nhanh chóng triển khai hiệu quả các giải pháp đến từng nhóm đối tượng thụ hưởng. Ước tính riêng các giải pháp về thuế, phí đã ban hành trong năm 2021 hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khoảng 138 nghìn tỷ đồng. Trong số này, riêng tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm là 23 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, ngành Thuế đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Vũ Xuân Bách cho rằng, mỗi giải pháp hỗ trợ về thuế, phí đều quy định rõ đối tượng áp dụng và có thời gian áp dụng cụ thể, rõ ràng, thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Mặc dù cơ quan Thuế đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ, nhưng để tận dụng được những hỗ trợ thì doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc theo dõi, tìm hiểu về nội dung chính sách và thủ tục áp dụng các chính sách, trong đó đặc biệt lưu ý về thời hạn nộp hồ sơ, đề nghị thì cần phải thực hiện theo đúng quy định.
"Về dài hạn, doanh nghiệp cần phát huy sự năng động, sáng tạo, ứng dụng các hình thức kinh doanh mới, chuyển đổi số để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính quyền, người dân phòng chống dịch hiệu quả để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong bối cảnh “bình thường mới”", ông Vũ Xuân Bách chia sẻ.
Còn về phía ngành Thuế, trước tác động của đại dịch COVID-19, để đồng hành với doanh nghiệp, thời gian qua, toàn Ngành đã hỗ trợ kịp thời và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kê khai hưởng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí với thủ tục đơn giản và bằng hình thức trực tuyến.
Đồng thời, để phù hợp với những thay đổi trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, ngành Thuế tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã triển khai áp dụng các dịch vụ điện tử trong giao dịch với cơ quan Thuế. Vì vậy, ngành Thuế sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các hình thức giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuế từ cấp độ 3 trở lên.
Theo đó, ngành Thuế sẽ mở rộng đăng ký thuế điện tử, triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử. Đồng thời, tăng cường kết nối thông tin giữa ngành thuế với các cơ quan quản lý nhà nước bằng phương thức điện tử để thực hiện quản lý thuế hiệu quả; đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ thuế lên cổng dịch vụ công quốc gia để người dân và doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính thuế.