Đặc sản vùng miền khó vào thị trường, do đâu?
Các đặc sản vùng miền của Việt Nam rất phong phú nhưng để đưa số lượng lớn vào hệ thống phân phối hiện đại lại không đơn giản.
Câu chuyện bí thơm ở tỉnh Bắc Kạn là một ví dụ. Từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, bí thơm Bắc Kạn đã đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước. Diện tích canh tác loại nông sản này trên địa bàn tỉnh là hơn 200ha. Ngoài cung cấp sản phẩm tươi, một số hợp tác xã đã đầu tư chế biến sâu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị.
Là mặt hàng nông sản tiêu dùng hàng ngày, chất lượng tốt, dễ bảo quản và có thể bảo quản lâu, bí thơm Bắc Kạn có nhiều kênh tiếp cận khách hàng cả nước: từ bán trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, qua mạng xã hội đến các chợ dân sinh, siêu thị và cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, để xuất bán mặt hàng này với số lượng lớn, cả nhà sản xuất lẫn hệ thống phân phối đều gặp khó.
Bà Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương, tỉnh Bắc Kạn cho biết, từ các chương trình xúc tiến thương mại, hợp tác xã đã kết nối giao thương với nhiều đơn vị phân phối tại Hà Nội và đang được bán tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị. Nhưng có một số vấn đề nảy sinh: số lượng hàng tiêu thụ chưa lớn so với khả năng cung cấp nên chưa mang lại nhiều giá trị; tại hệ thống phân phối, hợp tác xã không trực tiếp ký kết hợp đồng, chỉ thông qua một số đối tác.
Việc mở rộng thị trường, tăng số lượng tiêu thụ vì thế gặp nhiều khó khăn. Theo bà Ma Thị Ninh, khâu vận chuyển và hệ thống kho bãi của cả hợp tác xã lẫn hệ thống phân phối tại Hà Nội đang bị vướng do chưa đủ năng lực để lưu kho, bảo quản chờ lên kệ.
Đại diện hệ thống phân phối hiện đại, ông Kiều Song Hào - Giám đốc thu mua miền Bắc của hệ thống MM Mega Market Việt Nam khẳng định: ngoài bí thơm, rất nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền được kết nối, trung chuyển và tiêu thụ tại các siêu thị thuộc chuỗi. Đại diện nhà phân phối cũng đánh giá cao việc các hợp tác xã, hộ nông dân đã đầu tư để các sản phẩm đặc sản đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hay đạt tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGAP, chỉ dẫn địa lý,…
Cũng như đơn vị sản xuất, đại diện nhà phân phối cho rằng, siêu thị bán nhiều mặt hàng, mã hàng của nhiều tỉnh, thành nhưng một tỉnh, thành lại chỉ tập trung cho một số nhóm sản phẩm nhất định dẫn đến sản lượng lớn. Trong khi đó, siêu thị đa phần bán cho người tiêu dùng hàng ngày nên không thể nhập số lượng lớn lên đến hàng chục tấn được.
Vận chuyển cũng là rào cản cần được giải quyết. Trong hệ thống, các siêu thị phân bổ ở nhiều tỉnh thành, phải vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc và ngược lại. Khâu này hợp tác xã chưa làm được, nhà phân phối phải làm. Tuy nhiên, mỗi lần chuyển phải rất nhiều sản phẩm mới đủ một chuyến xe.
Để chia sẻ các khó khăn và tìm giải pháp đồng hành với các tỉnh thành, nhất là các tỉnh miền núi khó khăn, có nhiều giải pháp được thực hiện, trong đó cần thiết nhất là giải pháp về kho trung chuyển.
Theo ông Kiều Song Hào, hiện MM Mega có các kho ở Đà Lạt, Bình Dương, ở phía Bắc và sắp tới có kho ở khu vực Tây Bắc để đưa các sản phẩm ở đây vào các tỉnh phía Nam. Do đặc thù mùa vụ và số lượng sản phẩm ở phía Bắc chưa dồi dào bằng nên các kho trung chuyển có thời điểm chưa phát huy hiệu quả.
Giải quyết vấn đề này, kết nối đưa nhiều sản phẩm đặc sản vào các chuỗi phân phối, bên cạnh giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm kết hợp với đầu tư chế biến sâu, vừa gia tăng giá trị sản phẩm, vừa phong phú thêm mặt hàng, tạo thêm lựa chọn cho người tiêu dùng, thay vì chỉ tiêu thụ sản phẩm tươi sống.