Đại biểu quốc hội đề nghị sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia
Cần sớm thành lập Ủy ban năng suất Quốc gia để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam. Đây là đề xuất của Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, có một nghịch lý đang diễn ra đó là năng suất lao động chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng, bài toán chênh lệch cung cầu, vừa thừa vừa thiếu lao động, làm thế nào để thích ứng với thị trường lao động theo xu hướng chuyển đổi số, cơ cấu ngành nghề và các mô hình việc làm mới hậu Covid-19.
Theo Đại biểu, nếu quy đổi theo sức mua tương đương năm 2021 là khoảng 21.500 USD, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Tốc độ tăng năng suất lao động chưa có sự bứt phá, hay có sự lên xuống năm cao năm thấp. Đề cập đến sự chênh lệch về cung cầu lao động và năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đã chỉ rõ 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự chênh lệch này. Trong đó đáng chú ý là kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động. Sự chênh lệch giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường. Các ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics là những ngành thu hút FDI lớn, tạo giá trị gia tăng cao, song tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 20%-25% và năng suất lao động lại thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, điện, nước, bất động sản. Tay nghề lao động kỹ năng số, trình độ công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn tay nghề chỉ chiếm 11%. Tỷ lệ lao động giản đơn, trình độ thấp chiếm tới 38%, chỉ có 35% nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức còn lớn, chiếm tới 48% lực lượng lao động. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các cấp, các ngành chưa được linh hoạt, hiệu quả trong các cấp, các ngành trước tình trạng mất cân đối lao động, tăng năng suất lao động.
Để giải quyết những bất cập này, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh, yêu cầu tăng suất lao động là vấn đề cấp bách cần làm ngay từ ộibây giờ không thể chậm trễ. Tăng năng suất lao động chính là chìa khóa mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế. “Nếu năng suất lao động tăng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,94 điểm phần trăm, tăng lợi nhuận doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, hay năng suất lao động là công cụ điều tiết thị trường lao động và đảm bảo ổn định vĩ mô và làm tăng năng suất lao động, là con đường tốt nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng và bao gồm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, đại biểu giải thích thêm.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động, kết nối hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương. Cần sớm hoàn thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm phù hợp với hình thái việc làm, nghề nghiệp mới, quan hệ lao động mới. Ngoài ra, việc vận hành hiệu quả Hội đồng tiền lương quốc gia cũng sẽ góp phần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường, thu hút lao động được chất lượng cao.
Đại biểu cũng đề xuất sớm hoàn thiện thống kê, công bố đầy đủ, minh bạch hơn về các chỉ tiêu năng suất lao động của các địa phương, ngành, lĩnh vực và các loại hình doanh nghiệp để hoàn thiện bức tranh tổng thể về năng suất lao động. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đại biểu cho rằng, với khoảng 60% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu và tỷ lệ đầu tư khoa học công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP năm 2021 thì đổi mới khoa học, công nghệ là giải pháp quan trọng nhất để tăng năng suất lao động của doanh nghiệp và các ngành. Việc cần làm là khơi thông thị trường vốn, hỗ trợ ưu đãi về tài chính đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, đầu tư đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ như Đảng và Nhà nước đã đề ra. Gắn kết giữa đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…