Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp giảm “gánh nặng” cho ngân sách nhà nước
Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ vui mừng trước việc các chỉ tiêu lớn đều đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt, dự toán NSNN năm 2018 có thể vượt thu hơn 3%, lạm phát được kiểm soát, nợ công được đảm bảo an toàn như Quốc hội yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại cho cơ quan điều hành khi nhiều nhiệm vụ như tinh gọn bộ máy nhiều nơi còn chậm, đầu tư công đôi chỗ hiệu quả thấp…đang trở thành “gánh nặng” cho NSNN.
Chi thường xuyên lớn do bộ máy còn cồng kềnh
Qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá cao các đơn vị tiêu biểu làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tinh giản biên chế như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an và một số địa phương như Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Đây là các đơn vị đã tích cực gương mẫu trong thực hiện tinh giản biên chế, là bước đột phá tích cực trong tinh giản biên chế.
“Một số chủ trương, chính sách đề ra được chỉ đạo tích cực, thực hiện quyết liệt tạo niềm tin, dấu ấn sâu sắc trong lòng dân như chủ trương xây dựng của Bộ Tài chính về vấn đề tích cực thắt chặt chi tiêu, giảm thiểu nợ công, tăng thu ngân sách, hệ thống ngân hàng đã tập trung ổn định dự trữ ngoại hối, điều hành tín dụng tăng trưởng, chất lượng chính sách, hiệu quả chương trình tín dụng được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, sản phẩm ngân hàng ngày càng đa dạng, điều tiết tiền tệ hợp lý, khuôn khổ pháp lý về cơ cấu xử lý nợ xấu được hoàn thiện dần” – ĐB Phương nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của ĐB Phương, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nhận thấy có những tín hiệu đáng mừng như cơ cấu chi NSNN có chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách.
Tuy nhiên, theo ĐB tỉnh Hải Dương, sự chuyển dịch chưa mạnh mẽ, tỷ trọng chi thường xuyên trong tỷ lệ chi NSNN còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách. Số thực hiện năm 2017 là 64,68%, dự toán năm 2018 là 64,11% trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 26,2%. Nguyên nhân chủ yếu được vị này chỉ ra là tỷ lệ chi thường xuyên lớn, do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối. Số lượng người hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách còn rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và khu dân cư còn rất nhiều.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế. Theo báo cáo gửi Quốc hội, một số đơn vị như Bộ Tài chính, Bộ Công an, một số địa phương đang triển khai rất tích cực và đạt hiệu quả cao công tác này.
Song, tổng thể, nhiều đơn vị vẫn còn “ì ạch”, sau 3 năm, việc tinh giản biên chế còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% vào năm 2021. Đến nay, số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%.
ĐB Phạm Xuân Thăng kiến nghị: Chính phủ cần đẩy mạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; kiên quyết lộ trình chuyển phí thành giá dịch vụ phù hợp với quy định của Luật Phí và lệ phí; xây dựng định mức chi phí, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ công,…
Nên sáp nhập địa giới cấp tỉnh, thành phố
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ thời gian qua, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) điểm lại một số con số ấn tượng như sắp xếp giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, giảm 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức. Nhiều địa phương đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chức năng tương đồng, tránh lấn sân, chồng chéo, bớt các tổ chức trung gian, sáp nhập các sở, ngành và thí điểm sáp nhập 3 văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Tuy nhiên, ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng: Đến nay, việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh. Việc tinh giản biên chế chưa chú trọng tới cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. NSNN hàng năm giành cho chi trả lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
“Tôi đồng ý với nhận định, quyết tâm đã lên cao, hành động đã quyết liệt từ Trung ương tới địa phương. Tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một, ngày hai. Đây là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. Song, đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rõ rằng, NSNN hay nói cách khác tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi NSNN, số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh, vậy còn đâu để đầu tư phát triển” – ĐB tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Thậm chí, vị ĐBQH này còn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giải pháp điều chỉnh, sát nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố. Lý giải về kiến nghị này, ĐB Tạ Văn Hạ nêu: Nhìn ra các nước láng giềng trong khu vực, nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số đông hơn 15 lần, nhưng chỉ có 33 đơn vị hành cấp tỉnh, thành phố. Có nước được hình thành bởi gần 7.000 hòn đảo, dân số hơn 120 triệu cũng chỉ 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Nước ta khi bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 cũng chỉ 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Trong chúng ta chắc nhiều người còn in đậm dấu ấn và kỷ niệm một thời Hoàng Liên Sơn, Hà Bắc, Hà Nam Ninh, Bình trị Thiên, Sông Bé,... Thực tế gần đây bài học kinh nghiệm quý báu sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính sát nhập Hà Nội, Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ở một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) chỉ ra một “gáng nặng” khác của NSNN đó là vấn đề thu hút đầu tư FDI. Hiện nay, Việt Nam hiện nằm trong top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp lớn vào nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào khối lượng lớn nhưng thực chất chất lượng lại khiêm tốn, ít chuyển giao công nghệ và chưa có mối liên kết với các công ty trong nước.Thực tế chỉ có 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao, còn chủ yếu là gia công ở vị trí cuối của chuỗi giá trị.
ĐB Nguyễn Như So cho rằng thời gian tới để thu hút và sử dụng FDI hiệu quả, tránh tổn thương đến nền kinh tế, cần có cơ chế đột phá, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, phát triển để tạo đối trọng đủ mạnh, hợp tác bình đẳng. Việc này có ý nghĩa chính trị, chiến lược quan trọng, tránh tình trạng một nền kinh tế có hai tốc độ.
“Đã có Nghị quyết 19, Nghị quyết 01, Nghị quyết 20 nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng cần xem lại thực thi và thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Nếu chỉ sửa vài câu chữ thì tính đơn giản hóa không đáng kể; Sửa đổi theo hạ thấp điều kiện thì cơ bản không làm thay đổi môi trường kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98,1% là đối tượng chính tạo nguồn thu ngân sách, quyết định sự bền vững của phát triển kinh tế lại khó tiếp cận ưu đãi, đặc biệt là vốn. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực nhưng lúng túng trong việc triển khai, do tình trạng nợ đọng nghị định hướng dẫn thi hành về quỹ phát triển” – ĐB tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.