Đại biểu Quốc hội hiến kế để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội

Theo mof.gov.vn

(Taichinh) - Ngày 25/5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2015; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cần tạo được bước chuyển mạnh mẽ về môi trường kinh doanh

Theo Đại biểu QH Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh), báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII đã phản ánh đúng tình hình, có nhiều yếu tố tích cực, mở ra triển vọng về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2015 có thể thực hiện được. Các giải pháp nêu ra, Chính phủ quan tâm triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP để tạo bước chuyển biến tích cực hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị cho hội nhập.

Về vấn đề trung và dài hạn, theo Đại biểu, nên tập trung cho nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. “Theo tôi các giải pháp đề ra phù hợp nhưng cần làm rõ các biện pháp cụ thể hơn trong năm 2015”, Đại biểu Trần Du Lịch nói.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cho rằng, DN Việt Nam sức cạnh tranh còn thấp, là do năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Chính vì vậy, sự cạnh tranh nền kinh tế của nước ta so với các quốc gia gặp khó khăn, đặc biệt khi các hiệp định được ký kết là những vấn đề tiềm ẩn đối với nền kinh tế. Theo Đại biểu: “Các giải pháp Chính phủ đưa ra là sát thực, tuy nhiên, cộng đồng DN có chung suy nghĩ, lãi suất có giảm nhưng sản xuất của DN tạo ra lợi nhuận, trừ đi lãi suất ngân hàng thì lợi nhuận cũng đạt thấp”. Chính vì vậy, ông kiến nghị thời gian tới Chính phủ, cần điều chỉnh phù hợp, hỗ trợ nguồn vốn, cơ chế thông thoáng… để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện để DN phát triển.

Theo Đại biểu QH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội), báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ hơn tình hình phát triển của DNNN và DN nói chung. Số lượng DN phá sản còn khá lớn, lên tới 19.000 DN nghìn DN, cho thấy khó khăn của DN do tác động của nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa việc đơn giản hóa, cải cách TTHC. Trong đó, phải dựa trên 3 vấn đề gồm: Thủ tục, quy trình, bộ máy. Theo đại biểu Nguyệt Hường, phải thay đổi đồng bộ mới có bước đột phá nói chung.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, từ năm 2014 đến hết quý I năm nay, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi rất rõ nét."2014 là năm đầu tiên chúng ta đã vượt qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà QH đã thông qua. Tăng trưởng cả năm ở mức 5,98%. Đặc biệt trong quý I năm 2015 chúng ta đã đạt mức tăng trưởng 6,03%. Đây là một thành tựu quan trọng làm nền tảng cho việc hoàn thành các mục tiêu năm 2015. Nếu không có những biến động lớn bất thường thì ít nhất chúng ta cũng đạt mức tăng trưởng 6,2% theo mục tiêu đề ra"- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, Chính phủ lưu ý ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cần phải quan tâm để không trói buộc hơn so với Luật quy định hiện hành như vấn đề đăng ký kinh doanh, kinh doanh có điều kiện... để thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Được biết, vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản. Bộ Công thương thành lập Tổ công tác liên ngành về đẩy mạnh xuất khẩu và quản lý nhập khẩu; tập trung đẩy nhanh công tác đàm phán các hiệp định thương mại, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; điều hành hợp lý hoạt động tạm nhập tái xuất không để ảnh hưởng đến xuất khẩu nông - lâm - thủy sản qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ GTVT nghiên cứu để xử lý, có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông - lâm - thủy sản.

Đây được cho là những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế bền vững.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tái cơ cấu nông nghiệp

Câu chuyện “được mùa mất giá” đã nóng bàn nghị sự trong buổi thảo luận của Quốc hội chiều 25-5. Nhiều đại biểu đã mang tâm tư của cử tri đến nghị trường khi cho rằng, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, vẫn loay hoay từ sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều đại biểu đồng tình với những bất cập Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra trước đó. Hiện nay, vấn đề sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.

Có đại biểu QH đồng tình với Ủy ban Kinh tế của QH khi cho rằng, đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay, trong đó cần xác định rõ những lợi thế và các loại sản phẩm của từng địa phương, nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu, giải pháp hàng đầu vẫn là công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo mang lại hiệu quả thực chất thể hiện qua tổ chức lại sản xuất hiệu quả hơn và nâng cao, cải thiện đời sống người dân. Đối với các xã, huyện, thị xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần có hướng dẫn trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm phát triển bền vững.

Theo nhiều đại biểu, đây chính là vấn đề cốt lõi, nhằm cải thiện những bất cập trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) chỉ ra bất cập trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo ông: “Hiện vẫn mạnh ai lấy làm, đáng nhẽ quy hoạch lại. Vớinông nghiệp thì phải thực sự tâm huyết, máu thịtthì mới có thể làm tốt được”.

Chỉ ra bất cập, đồng thời đại biểu Nguyễn Kim Cự cũng kiến nghị: Trước hết cần liên kết các tỉnh và tiếp đến là liên vùng nước. Đồng thời, chỉ đạo căn cơ gắn giữa kế hoạch và quy hoạch (vùng nào trồng con gì, nuôi con gì và gắn với đó là chế biến), “chứ không chúng ta cứ nói thì năm này sang năm khác vẫn thế”.

Đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) lại cho rằng, chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dâncần được nghiên cứu tốt hơn, đảm bảo các mặt hàng như lúa gạo, nông sản… phải được khép kín từsản xuất, thu mua đến tiêu thụ. Đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh: “Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng và NN rất quan tâm nhưng năm nào cũng nghe câu “được mùa rớt giá” cứ lặp đi lặp lại, mỗi năm lại một sản phẩm, nhưng giải pháp đưa ra chưa được thực hiện hiệu quả. Nguyên nhân từ những bất cập trong quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm… Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm để những kỳ họp sau không còn nghe đến “được mùa rớt giá”.

Trong báo cáo trình Quốc hội vào phiên khai mạc, Chính phủ xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.