Đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao sự thẳng thắn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Theo dõi phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính trong ngày 16/11, đông đảo cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự thẳng thắn, trách nhiệm của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Thông qua trả lời chất vấn, Bộ trưởng đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
Đại biểu hỏi nhiều vấn đề nóng, Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, trách nhiệm
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong ngày 16/11 được cử tri cả nước rất quan tâm. Hàng loạt câu hỏi chuyển đến Bộ trưởng Bộ Tài chính đều là những vấn đề nóng, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, đặc biệt là vấn đề về nợ công, cải cách hành chính, thuế, hải quan…
Ghi nhận của phóng viên tại hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trả lời các chất vấn rất thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị. Thông qua trả lời chất vấn, Bộ trưởng đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng được yêu cầu của cử tri, và đại biểu cũng hài lòng. Nhiều đại biểu đánh giá cao những thông tin số liệu được Bộ trưởng viện dẫn về các vấn đề thuế, nợ công hay gian lận thanh toán qua hóa đơn.
Điều hành và theo sát phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, có số liệu, diễn chứng. Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng phụ trách, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư đã trả lời, làm rõ các vấn đề được chất vấn cũng như hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn bền vững nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên các lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn vẫn nổi lên nhiều tồn tại, hạn chế được đại biểu đề cập như quy mô thu ngân sách giảm, thiếu bền vững; tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại nghiêm trọng, xảy ra tiêu cực thuế, hải quan; xử lý hoạt động chuyển giá hiệu quả chưa cao; quản lý nợ công còn nhiều bất cập, nợ công tăng nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ… Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các đại biểu, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm giải quyết các tồn tại hạn chế.
Theo dõi phiên chất vấn trong ngày 16/11, đông đảo cử tri cả nước cũng như đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao về sự thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như đóng góp thêm nhiều ý kiến xung quanh vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống của lĩnh vực tài chính và ngân hàng, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của của ngành Tài chính trong xử lý những vấn đề khó và phức tạp như đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, chống tiêu cực trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đồng thời nhiều ý kiến cũng đề nghị ngành Tài chính cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, biến quyết tâm thành hành động.
Ngành Tài chính đã hoàn thành lời hứa 2 năm trước Quốc hội
Câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Cà Mau) được nhiều cử tri quan tâm khi ông nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội 2 năm trước khi hứa sẽ hoàn thành việc thu hồi khoản nợ đọng thuế 34 nghìn tỷ đồng tại thời điểm đó. Kết quả đến nay ra sao, rút ra bài học gì và đề nghị Bộ trưởng lời hứa hành động trong thời gian tới để giảm nợ thuế?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Cách đây 2 năm, chúng tôi có hứa trước Quốc hội là sẽ hoàn thành thu 34 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng. Thời điểm hứa là khoảng tháng 10/2015 và thực tế, lúc đó chúng tôi đã thu được 37.582 tỷ đồng rồi”. Cũng theo Bộ trưởng, năm 2016, ngành Tài chính đã thu nợ đọng thuế được 42.543 tỷ đồng, 10 tháng năm 2017 thu được 39.894 tỷ đồng và khả năng năm nay vẫn cao hơn năm trước.
Tuy kết quả thu hồi nợ khả quan, song người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, 63% số nợ thuế hiện nay là nợ không có khả năng thu. Hiện tại, ngành Tài chính đang rà soát, phân loại để báo cáo với Chính phủ, Quốc hội những giải pháp giải quyết triệt để hơn là xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi.
Liên quan đến thuế, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016, Bộ Tài chính đã có kế hoạch chống thất thu theo chuyên đề về thuế với DN ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh, trong đó có hộ kinh doanh cho thuê nhà. Trong năm 2016, ngành Thuế đã kiểm tra 33.633 cơ sở kinh doanh, trong đó có 19.281 DN, 14.352 hộ. Kết quả, số thuế tăng thêm sau kiểm tra là 4.891 tỷ đồng. Trong đó, 73,4% số hộ kinh doanh đã được kiểm tra, khảo sát có kết quả điều chỉnh doanh thu khoán tăng lên và hơn một nửa số này phải điều chỉnh mức doanh thu tăng 50% trở lên… Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý trên địa bàn tiếp tục kiểm tra khảo sát với các hộ kinh doanh nói chung và hộ kinh doanh cho thuê nhà ở nói riêng.
Tích cực triển khai các giải pháp về quản lý và thu hồi nợ thuế
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan tới giải pháp thu hồi nợ thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thu thuế là một trong những trọng tâm được Bộ triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm 2017 như: Giao chỉ tiêu thu nợ theo từng DN, từng đơn vị thuế; nhắn tin đôn đốc người nợ thuế nộp thuế; cưỡng chế nộp thuế; thành lập liên ngành thu hồi nợ đọng... Tuy nợ thuế tồn đọng lớn nhưng kết quả thu nợ đọng thuế thời gian qua khá tích cực: Số thu hồi nợ đọng thuế năm sau luôn cao hơn năm trước; tỷ trọng nợ thuế/tổng thu ngân sách và tổng thu nội địa giảm xuống; tỷ lệ nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu hồi) so với tổng thu đã giảm...
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát, phân loại, đánh giá, để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xử lý khoản nợ đọng thuế không còn khả năng thu. “Nếu chúng ta xử lý được là một điều tốt, số nợ đọng trên sổ sách sẽ giảm đi” - Bộ trưởng nói. Bộ trưởng cũng khẳng định, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các cục thuế, tăng cường kiểm tra kiểm soát, đôn đốc thu nợ, tiếp tục rà soát phân loại nợ, theo dõi chặt chẽ các khoản nợ thuế, ban hành đầy đủ các thông báo... “Các giải pháp đang được đẩy mạnh rất tích cực để tăng cường công tác kiểm soát và thu hồi nợ thuế. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế” - Bộ trưởng nói.
Ngành Tài chính quyết liệt làm trong sạch cán bộ
Một vấn đề “nóng” được đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nêu thực trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối thời gian qua, ngân sách nhà nước một phần "đội nón" ra đi, một phần chảy vào túi những cán bộ "mất chất" gây thất thu hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều vụ án đã được xét xử và nhiều vụ việc đang được điều tra liên quan đến các sai phạm của cán bộ hải quan. "Trách nhiệm của Bộ trưởng và lãnh đạo ngành Hải quan đến đâu? Liệu có sự buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức của cán bộ hải quan và giải pháp nào để chấm dứt tình trạng tham nhũng trên?" - đại biểu nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vụ 213 container “mất tích” ở cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) là do Tổng cục Hải quan phát hiện ra và đang phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an điều tra, xử lý. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt 3 đối tượng có liên quan.
"Tinh thần của Bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực trong ngành và ngoài ngành. Hằng năm có trên dưới 300 cán bộ thuế, hải quan bị xử lý nội bộ, kỷ luật. Riêng vụ 213 container, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, ngoài đối tượng tham gia trực tiếp, những người còn lại đã bị kiểm điểm, xử lý hành chính, chuyển đổi vị trí công tác" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, không nên đổ cho khách quan mà cần nhìn trực diện, đây là suy thoái trong đội ngũ làm công tác hải quan... Bộ luôn quyết tâm, quyết liệt trong xử lý và qua đó để tiếp tục rà soát quy trình, thủ tục, chế độ chính sách cho phù hợp.
Thực hiện giải pháp đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Về giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lập ra để bán hóa đơn cho đơn vị khác gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước mà đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hóa đơn điện tử là giải pháp đột phá để chống lại vấn đề này. Bộ trưởng cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, cắt giảm 172 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 872 trong lĩnh vực tài chính.
Hiện nay, trong các lĩnh vực, Bộ Tài chính còn 946 thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp về hiện đại hóa, đổi mới phương thức quản lý. Trong lĩnh vực thuế, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam đã rút ngắn thời gian nộp thuế từ 537 giờ còn 117 giờ. Lĩnh vực hải quan, đưa vào vận hành hải quan điện tử cùng hải quan một cửa, giúp 99,9% số tờ khai hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử, cao hơn mức đề ra 95%. "Tóm lại, kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế thời gian qua có bước tiến bộ lớn, chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam năm nay tăng 81 bậc, xếp 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu sang năm đưa vào hóa đơn điện tử thì cải cách thuế còn tiến xa hơn nữa" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.