Đại dịch là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số
Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, DN buộc phải lựa chọn chuyển đổi số để có thể tái cơ cấu và hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập và bối cảnh dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số hiện nay, nhu cầu chuyển đổi số của DN Việt Nam là rất lớn.
Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng toàn thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kết nối và liên lạc. Chuyển đổi số là con đường để tiến về phía trước. Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy, đã thích nghi với đại dịch nhờ các giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) mới trong thương mại, y tế và nhiều lĩnh vực khác.
Thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 đã kéo theo sự thay đổi lớn trong cách thức kinh doanh ở mọi lĩnh vực. Trong đại dịch, các DN đã không ngừng số hóa tương tác giữa khách hàng và chuỗi cung ứng, các hoạt động nội bộ với tốc độ rút ngắn từ 3- 4 năm. Thậm chí, mức độ đầu tư vào các sản phẩm đã nhanh hơn 7 năm so với điều kiện thông thường.
Trước nhu cầu chuyển đổi số cấp thiết từ các DN, giúp DN chuyển đổi số và tăng sức đề kháng trước những cơn sóng dịch bệnh chưa dự báo được hồi kết, các DN công nghệ cũng đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng chuyển đổi số.
Theo ông Hà Thái Bảo - Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT - IT) - thời gian qua, để hỗ trợ khách hàng DN theo định hướng phù hợp với định hướng cách mạng 4.0 của Việt Nam, VNPT đã và đang triển khai, đề xuất hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài về ứng dụng viễn thông, dịch vụ cộng đồng, và các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 (AI, Bigdata, Blockchain, IoT...). Các ứng công nghệ số này được phát triển trên hệ sinh thái số về y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch...
Hay Tổng công ty Viễn thông Viettel cũng vừa chính thức công bố Nền tảng số quản trị DN - vESS (Viettel Enterprise Support System). Nền tảng số quản trị DN vESS được tích hợp từ 3 bộ giải pháp hỗ trợ quá trình quản lý, vận hành của DN, bao gồm quản trị điều hành, quản trị nhân sự và kế toán tài chính với hơn 30 công cụ, tiện ích cơ bản và nâng cao phục vụ nhu cầu của mọi loại hình DN. Trước đó, Viettel đã liên tục cho ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ số như vMark, vMenu, vGift, chữ ký số Viettel - CA, hóa đơn điện tử SInvoice, Viettel Pay... Hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ dành cho DN hướng tới cung cấp giải pháp tổng thể 4 lớp từ hạ tầng, nền tảng - kết nối - thiết bị đến ứng dụng giúp DN chuyển đối số toàn diện.
Theo ông Đặng Thái Sơn - Giám đốc marketing Công ty Appota - cung cấp các giải pháp và nền tảng cho ngành công nghiệp giải trí số cũng cho biết nửa đầu năm 2021 Appota đặt trọng tâm vào các sản phẩm chuyển đổi số như giải pháp quản lý vận hành DN từ xa, dịch vụ ví điện tử không tiền mặt, bán hàng qua mạng...
Hỗ trợ thúc đẩy DN chuyển đổi số
"Hiện nay, tại Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 đưa đất nước trở thành nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Với dân số trẻ và năng động, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu trên", ông Madan Mohan Sethi chia sẻ thêm.
Đến nay, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện từ hoạt động quản lý điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đến phương thức sống và làm việc của người dân. Đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP là 30%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%...
Cụ thể hóa thực hiện các mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện cũng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021- 2025.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được nhận các hỗ trợ từ chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số... Chương trình cũng sẽ chọn những cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ năng lực, cam kết chuyển đổi số để hỗ trợ tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa 50% chi phí hợp đồng tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai để cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nhiều DN cho hay cần xác định chuyển đổi số là một quá trình, không đơn giản là một đích đến. Đó là chặng đường dài cần được liên tục nâng cấp theo sự đi lên hằng ngày của công nghệ và có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành tố "công nghệ", "kinh doanh" và "con người" trong một công ty, đơn vị.