Đại gia Việt vạ lây, mất trăm ngàn tỷ vì Ukraine
(Tài chính) Thị trường chứng khoán giảm mạnh theo đà giảm của thế giới khi tình hình bất ổn tại Ukraine diễn biến phức tạp khiến các đại gia Việt mất cả trăm tỷ chỉ trong một ngày giao dịch 3/3.
Cuối tháng 2, mọi con mắt của nhà đầu tư trên toàn thế giới tập trung về phía Ukraine. Căng thẳng leo thang kể từ khi Tổng thống Nga Putin điều quân tới vùng tự trị Crưm. Thông tin này khiến cho giá vàng tăng vọt và chứng khoán giảm sâu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam khó thoát khỏi “cơn bão” giảm giá này. Cả 4 chỉ số chính đồng loạt lao dốc.
VN-Index giảm 13,1 điểm, tương ứng 2,23%. Chỉ số HNX30-Index có tốc độ lao dốc mạnh nhất khi mất tới 4,11%.
Blue-chip “rơi” mạnh hơn cả nên các đại gia trên sàn chứng khoán là những người chịu mất mát nhiều nhất.
Trong Top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (bầu Đức) tiếp tục là cái tên nóng nhất khi phải chứng kiến khối tài sản hao hụt nhiều nhất.
Hôm nay, HAG giảm 1.200 đồng/cổ phiếu xuống 26.000 đồng/cổ phiếu. Sự sụt giảm này của HAG đã “móc túi” bầu Đức số tiền không nhỏ, lên tới 374 tỷ đồng. Tài sản của bầu Đức “chỉ” còn 8.101,7 tỷ đồng. Bầu Đức vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Mất số tiền khổng lồ nhưng bầu Đức chẳng có lý do gì để buồn vì ông đã kiếm được hơn ngàn tỷ đồng trong tháng 2 vừa qua chỉ nhờ sự tăng giá của cổ phiếu HAG.
Trong phiên cuối cùng của tháng 2 (ngày 28/2), HAG đóng cửa ở mức 27.200 đồng/cổ phiếu, tăng 5.300 đồng/cổ phiếu so với ngày đầu tháng 2, tương ứng 24,2%. Như vậy, sau 1 tháng giao dịch, HAG giúp túi tiền của bầu Đức phình thêm 1.651,5 tỷ đồng.
Mặc dù không thể cưỡng lại được xu hướng giảm sâu trong ngày nhưng HAG vẫn là cổ phiếu được nhà đầu tư để mắt tới khi khối lượng giao dịch tăng khá mạnh, đạt hơn 6 triệu đơn vị. Khối ngoại cũng bắt đầu gom HAG.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2013 cho thấy lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn này tăng vọt nhờ đóng góp rất lớn từ cao su và mía đường. Bộ phận nghiên cứu phân tích công ty chứng khoán Maybank Kimeng dự báo trong năm 2014, các lĩnh vực này còn mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho Hoàng Anh Gia Lai.
Maybank Kimeng phân tích: “Chúng tôi cho rằng mía đường và cao su sẽ giúp ổn định doanh thu và lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai trong dài hạn. Hơn nữa, khi toàn bộ diện tích cao su đi vào khai thác trong 3-5 năm nữa thì doanh thu và lợi nhuận của HAG sẽ có nhiều đột biến. Vì vậy chúng tôi cho rằng HAG sẽ phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn để mua vào”.
Hàng loạt đại gia vạ lây
Không chỉ bầu Đức vạ lây vì tình hình bất ổn tại Ukraine, hàng loạt đại gia cũng chịu mất mát lớn. Về giá trị tuyệt đối, MSN là blue-chip giảm mạnh nhất khi mất tới 5.000 đồng/cổ phiếu. Sự MSN “rơi tự do” khiến 2 sếp lớn của Masan là ông Hồ Hùng Anh và bà Nguyễn Hoàng Yến chịu thiệt hại không nhỏ.
Cụ thể, bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Ma San phải nhìn 109 tỷ đồng rời khỏi tài khoản. Tài khoản của ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Ma San bị hao hụt 79 tỷ đồng.
Trong danh sách các blue-chip của các đại gia Việt, FPT chỉ đứng sau MSN về tốc độ “rơi”. Hôm nay, FPT giảm 2.500 đồng/cổ phiếu xuống 61.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu FPT khiến vốn hóa thị trường Tập đoàn FPT biến đổi mạnh. Hai sếp lớn của FPT chịu thiệt hại lớn nhất.
Cụ thể, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT mất 49 tỷ đồng. Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT mất 25,4 tỷ đồng. Dù tài sản giảm nhưng ông Trương Gia Bình đang tiến rất sát về Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trước đây, có thời điểm, ông Bình rơi xuống Top 40. Có thể nói, cuối năm 2013 và đầu năm 2014, ông Trương Gia Bình có bước tiến dài trong bảng xếp hạng.
HSG cũng giảm mạnh như FPT khi mất 2.500 đồng/cổ phiếu và xuống 54.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, do nắm giữ số lượng cổ phiếu nhiều hơn ông Trương Gia Bình nên sự mất mát của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen đáng kể hơn rất nhiều. Chỉ trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3, ông Vũ đã mất 107 tỷ đồng.
Tài sản của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn cũng thay đổi mạnh khi SSI giảm 1.100 đồng/cổ phiếu xuống 24.700 đồng/cổ phiếu. SSI làm ông Hưng hao hụt 32 tỷ đồng.
Trầm Trọng Ngân, vị thiếu gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng mất mát lớn khi STB giảm 1.100 đồng/cổ phiếu xuống 20.200 đồng/cổ phiếu. Sự giảm sút của STB khiến cậu cả của đại gia ngân hàng Trầm Bê mất 60 tỷ đồng.
Hôm nay, đa số các đại gia trên sàn chứng khoán Việt Nam đều mất từ chục tỷ tới trăm tỷ đồng. Chỉ có duy nhất ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát có thể mỉm cười vì HPG tăng nhẹ. HPG tăng 100 đồng/cổ phiếu lên 48.500 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh PVT, HPG là blue-chip hiếm hoi cưỡng lại được đà giảm sâu của thị trường.
Với sự “vượt sóng” của HPG, bầu Long đút túi thêm hơn 10 tỷ đồng. Con số 10 tỷ đồng rất nhỏ bé so với khối tài sản 5.000 tỷ đồng của bầu Long nhưng rõ ràng trong bối cảnh thị trường lao dốc như hiện nay, có thể thấy đây là sự nỗ lực rất lớn của HPG.