Đảm bảo an toàn hàng dự trữ quốc gia qua hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ


Việc thực hiện hợp đồng cháy nổ bắt buộc kho hàng và hàng dự trữ quốc gia năm 2022 giúp các đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước tuân thủ đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm, góp phần đảm bảo an toàn tài sản, hàng dự trữ quốc gia.

Tổng cục DTNN hướng dẫn thực hiện hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng và hàng DTQG.
Tổng cục DTNN hướng dẫn thực hiện hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng và hàng DTQG.

Chi trả trong thời gian thực hiện hợp đồng không vượt quá 700 triệu đồng

Chia sẻ về những điểm mới khi thực hiện hợp đông bảo hiểm (HĐBH) cháy, nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng dự trữ quốc gia (DTQG), ông Trần Quốc Thao - Vụ trưởng Vụ Tài vụ - Quản trị (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, qua theo dõi thực hiện HĐBH các năm gần đây cho thấy, HĐBH đã bao gồm đầy đủ thành phần theo quy định như: Văn bản hợp đồng; Biên bản thương thảo, hoàn thiện Hợp đồng; Danh mục địa điểm tài sản tham gia bảo hiểm; Giá trị tài sản tham gia bảo hiểm; Quy tắc bảo hiểm và các điều khoản bổ sung;

Quy trình giải quyết khiếu nại bồi thường; Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Điều kiện chung của hợp đồng; Điều kiện cụ thể của hợp đồng; hồ sơ dự thầu qua mạng và các văn bản làm rõ đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu; Các tài liệu kèm theo khác. Trên cơ sở đó, khi tổn thất xảy ra tài sản được bồi thường tương đối kịp thời, thỏa đáng, đúng quy định.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đối tượng và phạm vi bảo hiểm tài sản nên quá trình thực hiện HĐBH gặp phải một số vướng mắc như: Phạm vi bảo hiểm bao gồm nhiều điều khoản, ngoài các điều khoản chính còn có 39 điều khoản bổ sung có tính chất chuyên ngành không dễ hiểu; Việc mua hàng DTQG theo đấu thầu nên giá mặt hàng cùng loại ở mỗi điểm kho là khác nhau.

Đối với mặt hàng thóc vừa mua lẻ không có hóa đơn giá trị gia tăng, vừa mua qua đấu thầu có hóa đơn giá trị gia tăng gây khó khăn khi cung cấp hóa đơn thuế đầu vào đối với số lượng hàng DTQG bị tổn thất cho bên bảo hiểm...

Để giải quyết vướng mắc trên, hàng năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã tổ chức hội thảo giữa các đơn vị gồm Bên bảo hiểm, đơn vị giám định độc lập, đơn vị môi giới bảo hiểm với các đơn vị DTNN phổ biến làm rõ các điều khoản áp dụng, nhất là điều khoản bổ sung gắn với đặc điểm từng năm. 

Theo HĐBH số 01/2022/VP-BBP ngày 22/12/2021 về việc mua sắm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc kho hàng và hàng DTQG năm 2022, Tổng cục DTNN chỉ áp dụng đối tượng bảo hiểm là kho hàng và hàng DTQG, không áp dụng đối với đối tượng bảo hiểm là trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN do không có trụ sở nào đủ điều kiện tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quy định.

Hợp đồng bổ sung về chi phí hạn chế và phòng ngừa tổn thất tăng từ 500 triệu đồng/vụ lên 700 triệu đồng/vụ. Chi phí này nhằm phòng ngừa, hạn chế tổn thất được bên bảo hiểm chi trả cho các đơn vị khi có tổn thất thực tế xảy ra và các đơn vị áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn, hạn chế tổn thất cho kho hàng và hàng DTQG. Tổng chi phí chi trả trong thời gian thực hiện HĐBH không vượt quá 700 triệu đồng. Khi chưa có tổn thất xảy ra điều khoản này chưa được áp dụng...

Điểm mới khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm cháy nổ năm 2022

Lưu ý về việc thực hiện HĐBH năm 2022, Vụ trưởng Vụ Tài vụ - Quản trị Trần Quốc Thao cho hay, một số trường hợp khi xảy ra tổn thất do bão lụt gây ra, bên bảo hiểm, đơn vị giám định độc lập không thể tiếp cận ngay được hiện trường do mưa to, đường xá ngập lụt, chờ đến khi đến được hiện trường thì hiện trường đã thay đổi.

Để ngăn chặn tổn thất phát triển thêm các đơn vị đã tổ chức các biện pháp xử lý, theo đó phải chi phí nhân công, vật tư, máy móc thi công. Do không có đầy đủ thành phần các bên ngay tại hiện trường nên mất nhiều thời gian mới thống nhất Biên bản xác định hiện trường và chi phí phòng ngừa hạn chế tổn thất.

Điều này dẫn đến việc bồi thường kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của các đơn vị được bảo hiểm. Đối với hàng DTQG tổn thất, các bên khẩn trương phối hợp phân loại hàng DTQG tổn thất không phân biệt có hay chưa có danh mục trong Hợp đồng bảo hiểm.

 Các đơn vị, phải có văn bản báo cáo Tổng cục về số lượng hàng DTQG thiệt hại để Tổng cục có quyết định xuất hàng DTQG; không được tự xử lý hàng hóa thiệt hại khi chưa có ý kiến của bên bảo hiểm; thực hiện thanh lý hàng DTQG tổn thất đảm bảo trong thời gian theo Quyết định của Tổng cục DTNN.

Đối với thiệt hại nhà kho, để thuận lợi Bên bảo hiểm nên ủy quyền cho Cục DTNN khu vực thực hiện ký hợp đồng sửa chữa nhà kho và thanh toán giá trị hợp đồng với Bên bảo hiểm. Về quy trình, thủ tục đơn giá, định mức áp dụng  của công việc sửa chữa kho theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng.

Giá trị tài sản tham gia bảo hiểm không bao gồm giá trị phụ kiện đi kèm như màng PVC, palet,... nên bên bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường mà chỉ hỗ trợ kinh phí hạn chế và phòng ngừa tổn thất trong mức 700 triệu đồng/ vụ tổn thất.

Tại HĐBH, mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại Hợp đồng được hiểu là số tiền mà bên mua bảo hiểm sẽ phải tự chịu chi phí khi có sự cố xảy ra. Tức là bên mua bảo hiểm sẽ nhận được số tiền bồi thường tổn thất sau khi trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm. Trường hợp tổn thất nhỏ hơn mức khấu trừ bảo hiểm thì Bên bảo hiểm không phải bồi thường.

Như vậy, khi thực hiện HĐBH cháy nổ bắt buộc đối với kho hàng và hàng DTQG năm 2022 giúp các đơn vị của Tổng cục DTNN cập nhật kịp thời thông tin; đồng thời, hiểu rõ hơn và thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong HĐBH, góp phần bảo đảm an toàn tài sản, hàng DTQG, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

*Theo Tú Linh – Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2022.