Đảm bảo chất lượng, an toàn chuỗi cung ứng nông sản
Qua 8 phiên, Diễn đàn 970 đã khẳng định được vị trí trong việc kết nối giao thương nông sản giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là nguồn thông tin cho các cơ quan, cán bộ quản lý, chỉ đạo sản xuất của các bộ, ngành cũng như các địa phương.
Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phiên thứ 8 được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham dự của 41 tỉnh, thành phố. Diễn đàn diễn ra ngày 23/10 với hình thức trực tiếp và trực tuyến điểm cầu chính tại UBND TP. Hà Nội, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và UBND 41 tỉnh, thành dưới sự chủ trì của Bộ NN&PTNT và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội. 350 điểm cầu kết nối với hơn 1.000 người tham gia và đã kết nối được hơn 30 giao dịch ngay trong Diễn đàn. Ngoài ra, ngay sau Diễn đàn, Bộ NN&PTNT và TP. Hà Nội đã kí kết những thỏa thuận, phối hợp triển khai những mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản
Nhằm thông tin và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân; xúc tiến thương mại nông sản giữa Hà Nội với các địa phương và kết nối người sản xuất nông, lâm, thủy sản giữa các địa phương và thị trường Hà Nội; Bộ NN&PTNT, UBND TP. Hà Nội và Ủy ban Nhân dân 41 tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố".
Tại sự kiện lần này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, “để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo được an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo yêu cầu. Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng”.
Dịp này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm & Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, ATTP là cốt lõi nâng cao giá trị, phát biển bền vững nông nghiệp. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND Hà Nội, chương trình phải nâng tầm lên, vừa đảm bảo ATTP, vừa giúp nâng cao giá trị, nhằm đảm bảo những yêu cầu của cả thị trường xuất khẩu lẫn nội tiêu, tỷ trọng hàng hóa theo chuỗi cung ứng hàng hóa, an toàn được cao lên. Mục tiêu là đẩy mạnh liên kết giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Theo đó, chương trình sẽ được thực hiện từ giờ đến năm 2025 với 3 nội dung: duy trì kết quả, nhân rộng chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn; không chỉ an toàn, mà còn chất lượng, thương hiệu, bao bì, mẫu mã và đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng quan điểm trên, ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam bổ sung, Canada đã hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án mang tên “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” như một nỗ lực cải thiện công tác an toàn thực phẩm và nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn Đàn kết nối nông sản 970: Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại của 26 tỉnh, thành gửi thông tin đăng ký cung ứng nông sản. Trong đó, có 15 doanh nghiệp đăng ký tương tác với Diễn đàn; 30 doanh nghiệp đăng ký thu mua nông sản, trong đó 5 doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, đơn vị bán hàng có nhu cầu thu mua trong tháng 11/2021.
Liên quan đến xúc tiến thương mại nông sản của thủ đô nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp khoảng 189 nghìn ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, tuy nhiên nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu. 10 tháng qua, kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trên 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, Thành phố đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội; các đơn vị đẩy mạnh bán hàng hóa thiết yếu qua các website thương mại điện tử, hotline doanh nghiệp...
Tới đây, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố...