Nông sản Việt và một nửa tín hiệu tốt từ Hà Lan...

Theo Nguyễn Huyền/dangcongsan.vn

Cường quốc nông nghiệp toàn cầu gia tăng nhập hàng nông sản Việt Nam. Đó là tín hiệu tốt, nhưng chỉ mới một nửa. Nửa còn lại vẫn phải cải thiện hơn nữa...

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Việt Nam - một trong những nước có nông sản tươi và khô có thể xếp hàng đầu thế giới. Hà Lan - cường quốc nông nghiệp toàn cầu nhưng 9 tháng đầu năm nay đã tăng nhập khẩu các mặt hàng gạo, điều, cà phê, hạt tiêu… từ Việt Nam.

Cụ thể, tháng 9/2021, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Hà Lan gồm rau quả tăng 8,31%, hạt tiêu tăng 6,9%, cao su tăng 56,92%, gạo tăng 67,44%…, riêng mặt hàng cà phê giảm 20,53%. Tuy nhiên, cộng dồn 9 tháng, xuất khẩu cà phê tăng 5,72%, còn các mặt hàng như cao su tăng 82,9%, gạo tăng 42,8%, hạt tiêu tăng 56,93%.

Theo Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu (EU) là khối thị trường năng động, và cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực thương mại nông sản giữa Việt Nam và EU được tập trung thông qua các mối quan hệ hợp tác với các thương nhân Hà Lan - nơi có dung lượng nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng trưởng khá mạnh những năm qua. 

Bởi từ lâu Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU - nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu châu Âu và thế giới, đối với các mặt hàng rau, củ, quả tươi và cả nông sản khô.

Đặc biệt, từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực đang mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan. Song vẫn còn những vấn đề đặt ra.

Sản lượng và công nghệ bảo quản - hai khâu còn yếu 

Theo ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. (Hà Lan) - công ty chuyên nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chủ yếu từ châu Á hiện đang phân phối trên 20 nước ở thị trường châu Âu, có một "ranh giới" từng thể hiện rõ trước đây giữa các thị trường .

Khoảng 15 năm trở lại đây, các mặt hàng nông sản đến từ châu Á được tiêu thụ tại thị trường châu Âu ngày càng nhiều. Nếu như trước đây mỗi quốc gia ở châu Ấu là một thị trường nhỏ lẻ, có các yêu cầu và các sở thích riêng đối với nông sản châu Á, thì những năm gần đây "ranh giới" đó dần được xóa bỏ.

Trước đây, Hà Lan rất chuộng các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ Indonesia, hay thị trường Pháp chuộng các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ Việt Nam thì nay nông sản của Việt Nam (trong đó có mặt hàng gạo) được đón nhận nồng nhiệt ở châu Âu - đó là lợi thế hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Song, cũng là một thách thức cần phải phân tích và cân nhắc kỹ lưỡng, bởi Việt Nam vốn không thiếu những sản phẩm đặc sản đặc trưng và vượt trội hơn các nước bạn, như nhân điều, hạt tiêu, cà phê, gạo tẻ, gạo thơm và gạo nếp…, nhưng nông sản của Việt Nam đa phần chưa đạt các tiêu chuẩn cao của thị trường EU.

Cụ thể, các loại nông sản tươi như vải thiều, nhãn lồng… xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian qua cần cải thiện hai vấn đề.

Thứ nhất, cần đảm bảo tính bền vững ở vùng trồng bằng việc nhân rộng các mô hình HTX, mở rộng các vùng trồng đạt chuẩn Globalgap để đảm bảo sản lượng hàng năm đủ lớn và ổn định.

Đây là một trong những mấu chốt quan trọng đối với các nhà nhập khẩu. Việc nhập khẩu nhỏ lẻ chỉ một vài tấn trong một vụ mùa đôi khi chưa lại để lại ấn tượng rõ nét tại thị trường châu Âu, và thiếu tính chuyên nghiệp tại các chuỗi siêu thị và các cửa hàng châu Âu.

Thứ hai, công nghệ sơ chế và bảo quản chất lượng. 

Tại thị trường EU nông sản Việt phải cạnh tranh với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc và một số nước đến từ khu vực Trung, Nam Mỹ. Nhờ công nghệ chế biến và bảo quản tốt nên nông sản của cac nước này đa phần xuất khẩu vào châu Âu bằng đường biển có chi phí thấp, giá bán rẻ hơn. Dù chất lượng sản phẩm không hẳn hoàn hảo hơn, nhưng lợi thế về giá nên nông sản khu vực Trung Mỹ luôn là đối tác hàng đầu của các chuỗi siêu thị, và các cửa hàng tại EU cũng như các doanh nghiệp bán sỉ lớn.

“Dù sản lượng có lớn hay chất lượng có tốt như thế nào thì rõ ràng việc bảo quản chủ yếu phải nhập khẩu bằng đường hàng không chi phí cực kỳ cao, thì các nhà bán hàng không dám bỏ ra một số tiền lớn để người tiêu hàng ngày dùng thử trái cây đến từ Việt Nam như trái cây đến từ các nước Trung, Nam Mỹ.

Thậm chí vận chuyển bằng đường hàng không chất lượng cũng chưa hẳn được đảm bảo. Ví dụ như trong tháng 7 vừa qua chúng tôi đã nhập khẩu sang nhãn lồng Sơn La bằng đường hàng không nhưng tỷ lệ hỏng hóc vẫn còn nhiều do công nghệ chế biến vẫn còn sơ khai và chưa được đảm bảo”, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V chia sẻ.

Chất lượng ổn định - chìa khóa thành công cho nông sản Việt

Song, theo ông Hiển có một tín hiệu rất khả quan đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đó là vào đầu tuần của tháng 7, Công ty LTP Import Export B.V đã nhận khoảng 6 tấn vải thiều Lục Ngạn lần đầu tiên đến châu Âu bằng đường biển.

Mặc dù mất năm tuần lênh đênh trên biển nhưng chất lượng vải thiều khi đến châu Âu vẫn rất tốt. Đó là nhờ cách xử lý tiên tiến hơn, người tiêu dùng có được mức giá rẻ hơn chỉ bằng 1/3 so với giá vận chuyển bằng đường hàng không.

Đây là một tín hiệu vô cùng khả quan đối với nông sản Việt Nam và hy vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản học hỏi và áp dụng công nghệ này rộng rãi hơn cho các sản phẩm khác như công ty Rồng Đỏ đang áp dụng. 

“Gạo Việt Nam khi xuất khẩu qua châu Âu dù chúng tôi - nhà nhập khẩu đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa đạt chất lượng cao như gạo Thái Lan - đã có mặt trên 30 năm nay tại thị trường châu Âu, hay trong 10 năm trở lại đây là gạo Campuchia đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan quản lý cần phải đặt ra các tiêu chuẩn và thường xuyên kiểm soát đánh giá chất lượng" ông Hiển khuyến nghị.

Từ tháng 7/2019 đến nay, Công ty LTP Import Export B.V đã nhập khẩu gạo ST24 và ST25 rất nổi tiếng của Việt Nam nhưng vẫn có những khó khăn nhất định, do người tiêu dùng châu Âu quá tin tưởng vào gạo Thái Lan.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đạt được những thành công nhất định sau hai năm nhập khẩu dòng gạo ST thì khách hàng đã quen là chủ động tìm đến gạo Việt Nam nhiều hơn.

Nhưng có một điều các doanh nghiệp cần lưu ý là các dòng gạo thơm Jasmine, gạo ST24... nhập khẩu lần đầu thì chất lượng rất tốt nhưng những lần sau thì chất lượng không ổn định. Để có thể chính phục thị trường châu Âu nông sản Việt Nam phải luôn giữ được chất lượng ổn định. Lời khuyên này xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn mà chúng tôi đã có được”, ông Hiển khuyến cáo.