Ngành BHXH Việt Nam:
Đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người tham gia BHXH, BHYT trong bối cảnh dịch Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), cũng như đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người tham gia. Nhờ đó, toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, điển hình là phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Chủ động, linh hoạt trong phát triển BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
Đánh giá về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT thời gian qua, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 có diễn biến đặc biệt phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, toàn Ngành đã chủ động, linh hoạt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhờ đó đã đạt kết quả tích cực.
Đến ngày 31/5/2021, số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp tuy chưa “bù” lại đủ số đã giảm trong những tháng đầu năm, do tác động của dịch Covid-19, nhưng đều có số tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động), đạt 91,3% kế hoạch ngành BHXH Việt Nam đề ra, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
BHYT có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ và cuối năm 2020, với trên 87,77 triệu người tham gia đến ngày 31/5/2021, đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số, đạt 97,6% kế hoạch, tăng thêm 246.185 người…
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, đạt được kết quả trên là do ngay từ đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Căn cứ vào đó, BHXH các địa phương chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương.
Giám đốc BHXH địa phương phải nắm bắt các vấn đề trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế-xã hội, nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu phát triển người tham gia BHXH, BHYT của địa phương để xây dựng các kịch bản, có những quyết sách sát nhất liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, nhằm thực thi tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các văn bản điều hành cụ thể như: Ngày 28/4/22021 có Công văn số 1098; ngày 3/5 có Công văn số 1142 về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.
Gần đây nhất, ngày 26/5, BHXH Việt Nam có Công văn số 1445 về tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo Công văn này, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bố trí công chức, viên chức, người lao động làm việc linh hoạt, phù hợp (trực tiếp và trực tuyến); đảm bảo giải quyết kịp thời, hiệu quả, chất lượng các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT và công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và diễn biến của dịch bệnh.
Nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người lao động, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ Hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Các trường hợp còn lại tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, theo đó giảm từ 20% số người lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021, đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021.
Cùng với việc cho tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí, tử tuất, ngành BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ Quỹ BH thất nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ người lao động thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày. Thời gian áp dụng từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/12/2021.
Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam đã đề xuất trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho người lao động theo phương thức do người lao động lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, người lao động chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.
Để hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng đã chỉ ra những hạn chế, thách thức trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH. Đó là, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
Chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia (như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt…).
Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia; số người nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương…
Để giải quyết những thách thức trên, cũng như hướng tới hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã nêu ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện.
Thứ hai, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành; các cơ quan thông tấn, báo chí; cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho công chức viên chức cơ quan BHXH/đại lý thu; thường xuyên thanh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chấn chỉnh, xử lý kịp thời sai phạm.
Cùng với đó là nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người tham gia và người thụ hưởng ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Đến ngày 31/5/2021, số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp tuy chưa “bù” lại đủ số đã giảm trong những tháng đầu năm, do tác động của dịch Covid-19, nhưng đều có số tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động), đạt 91,3% kế hoạch ngành BHXH Việt Nam đặt ra, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
BHYT có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ và cuối năm 2020, với trên 87,77 triệu người tham gia đến ngày 31/5/2021, đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số, đạt 97,6% kế hoạch, tăng thêm 246.185 người…