Đánh trúng đối tượng, tụ điểm phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại
Sáng 22/02/2023, tại trụ sở Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm
Tại Hội nghị, trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi trên các tuyến biên giới đất liền, tuyến cảng biển, các vùng biển, tuyến hàng không và bưu chính quốc tế.
Cùng với đó, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác diễn ra trên hầu hết các địa bàn trong cả nước.
Trên tuyến biên giới đất liền, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã quý hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đường cát, vàng, ngoại tệ, vải, quần áo, vật tư y tế, dược phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, rượu, bia, sữa, bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, hàng gia dụng… diễn ra phức tạp.
Tại các cảng biển, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước và thực tế hoạt động xuất nhập hàng hóa qua các cảng biển có lưu lượng rất lớn, các đối tượng thành lập các doanh nghiệp, không khai báo hải quan hoặc khai báo gian dối về số lượng, giá trị, chủng loại, xuất xứ… để trốn thuế, xuất lậu, nhập lậu hàng hóa có điều kiện, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trên các vùng biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa như xăng, dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, hàng đông lạnh… diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường hoán cải phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản, sử dụng trang thiết bị hiện đại, đổi tên, số hiệu phương tiện, lợi dụng đường phân định, vùng biển giáp ranh để mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, khu vực được kiểm soát, các chuyến bay quốc tế được mở trở lại nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa khác qua đường hàng không và bưu chính quốc tế như Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) có chiều hướng tăng cả về quy mô và số lượng.
Các đối tượng lợi dụng hoạt động chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính qua các tuyến hàng không, khai báo hàng hóa gửi từ nước ngoài về Việt Nam dưới dạng quà tặng, quà biếu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, tiền chất, sản phẩm động vật hoang dã, các mặt hàng có giá trị cao, dễ cất giấu như ngoại tệ, xì gà, điện thoại di động, vật tư y tế, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Theo Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2022, xu hướng mua bán, giao dịch qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội ngày một tăng cao, các đối tượng đã triệt để lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 cho thấy, năm 2022, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm, tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.945 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, giảm 17,75% so với cùng kỳ năm 2021; 124.121 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2021; 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng 56,51% so với cùng kỳ năm 2021; thu nộp ngân sách nhà nước 12.829 tỷ đồng, giảm 29,92% so với cùng kỳ năm 2021; khởi tố hình sự 642 vụ, 720 đối tượng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua cũng như đề xuất các giải pháp trọng tâm cần triển khai trong năm 2023.
Đánh trúng đối tượng, tụ điểm phức tạp
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đánh giá, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi tình hình kinh tế phát triển thì hoạt động này cũng ngày càng tinh vi, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải hết sức quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm.
Trong năm 2023, Bộ trưởng cho rằng, cần bổ sung một số giải pháp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh, đưa công tác tuyên truyền lên đầu tiên, tích cực, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để phản ánh một cách kịp thời tình hình; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm và biểu hiện trong hoạt động công vụ của lực lượng chức năng.
Đồng thời, làm tốt việc tuyên truyền chính sách pháp luật, vận động nhân dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường sự phối hợp cung cấp thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm cho cơ quan chức năng xử lý.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị cần chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực trạng, nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức hoạt động; xác định tuyến địa bàn, mặt hàng trọng điểm để kịp thời tham mưu, đề xuất có phương án phối hợp đánh trúng đối tượng, tụ điểm phức tạp để răn đe phòng ngừa xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Theo Bộ trưởng, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hàng cấm. Bộ trưởng đánh giá vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu, xây dựng được dữ liệu đầy đủ, liên thông, liên ngành sẽ thuận lợi hơn trong kiểm tra, giám sát, phát hiện hành vi. Đồng thời, cần công khai rộng rãi số điện thoại, thư điện tử, đường dây nóng để tiếp cận tin báo, xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ trưởng cũng đề nghị Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo theo dõi sát tình hình, tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo và thành lập các đoàn kiểm tra, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu khen thưởng kịp thời các thành tích đạt được trong công tác. Cùng với đó là đề xuất sửa đổi một số cơ chế, chính sách về chi phí đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ thực hiện nhiệm vụ...
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo và sau khi lấy ý kiến tham gia sẽ ban hành thông báo và công điện đề nghị tỉnh ủy, UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương triển khai thực hiện đấu tranh có hiệu quả.