Xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao nhất
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc xác định chính xác phạm vi, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính phải gắn với các hoạt động chuyên ngành, đặc thù của các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ để xây dựng, lập kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất.
Ngày 28/12/2022, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính dự và phát biểu tại hội nghị.
Xác định lĩnh vực rủi ro cao để đấu tranh, xử lý hiệu quả
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng, ban hành các kế hoạch, văn bản trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu, than...
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài chính kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính như: Quyết định số 1432/QĐ-BTC ngày 20/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Tài chính; Quyết định số 69/QĐ-BCĐ389 ngày 19/9/2022 của Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Tài chính.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, qua theo dõi, tổng hợp tình hình và kết quả bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới của ngành Hải quan cho thấy, bên cạnh phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm qua mắt, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong đó, tập trung vào các loại hình trọng điểm như: Gia công, sản xuất xuất khẩu; đầu tư miễn thuế; vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh và hàng hóa gửi kho ngoại quan; các mặt hàng như hạt điều, phế liệu, rượu, CITES, khoáng sản...
Trong lĩnh vực thuế, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thuế, Tổng cục Thuế đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của người nộp thuế, quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng. Trong năm qua, ngành Thuế chú trọng các lĩnh vực có rủi ro cao như: Kinh doanh thương mại điện tử và trên các nền tảng số; hoàn thuế; chuyển giá; chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng vốn; mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế…
Đồng thời, Tổng cục Thuế phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong quản lý thuế, đặc biệt là cơ quan hải quan, quản lý thị trường, công an để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh; phối hợp với các ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng đối với các giao dịch đáng ngờ.
Để triển khai hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023, ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, các cơ quan cần xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của các cấp, các ngành để kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh tra trách nhiệm, kiểm tra công vụ, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lộng hành do thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm”, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường nhấn mạnh.
Xây dựng “kịch bản” chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao nhất
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 của các đơn vị như: Hải quan, Thuế, Thanh tra Bộ... đạt được.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong triển khai nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cần xác định chính xác phạm vi, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính gắn với các hoạt động chuyên ngành, đặc thù của các cơ quan trong Bộ để đặt ra các nhiệm vụ cụ thể hơn, đánh giá chính xác hơn, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả nhất.
Lưu ý về triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, các đơn vị tiếp tục phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị triển khai những Kế hoạch hoạt động mà Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để kịp thời tham mưu cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.
“Để đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chính phủ, Bộ Tài chính, các đơn vị phải phối hợp nhuần nhuyễn hơn nữa, không chỉ với các lực lượng liên quan, mà cả trong nội bộ Bộ Tài chính để hoàn thành nhiệm vụ đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.