Đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo, có tác động đến mọi ngành, nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, công nghiệp 4.0 yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, trong khi đó nguồn lao động của Việt Nam nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng còn thiếu hụt về số lượng và kỹ năng tay nghề. Do đó, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn lao động đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở nên cấp bách tại địa phương.
Theo số liệu thống kê năm 2020, dân số tỉnh Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 641.900 người, chiếm tỷ lệ 53,69% dân số. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở các lĩnh vực khoảng 629.600 người…
Qua đó, có thể thấy nguồn lao động của tỉnh rất dồi dào, số người tham gia hoạt động kinh tế chiếm 78,88% tổng số người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt bình quân trên 80%/năm. Lao động có trình độ chuyên môn cao làm việc trong các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 59,93% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Tình hình giải quyết việc làm, tạo việc làm mới đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, mặc dù lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng nhưng lao động có kỹ năng, trình độ cao (trung cấp, cao đẳng) vẫn còn rất thấp (chiếm 6,98% tổng số lao động được đào tạo nghề); lao động có chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp trình độ thấp vẫn còn nhiều (chiếm 93,02% tổng số lao động được đào tạo nghề).
Có đến 76,21% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp có trình độ kỹ năng nghề nghiệp thấp (trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng) và chưa qua đào tạo nghề. Tác phong, kỷ luật lao động, kỹ năng mềm… của người lao động, của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh còn hạn chế.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỉnh Sóc Trăng cần tập trung rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (công lập) theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, nhất là các ngành, nghề phục vụ phát triển kinh tế biển; các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực khuyến khích kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh trong tương lai; các ngành, nghề trọng điểm được Trung ương đầu tư phát triển theo cấp độ khu vực ASEAN và cấp độ quốc gia.
Cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ các tổ chức (chủ yếu là doanh nghiệp), cá nhân để phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô đào tạo và có thể áp dụng những công nghệ mới nhất của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị dạy học các phần mềm mô phỏng… và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế bài giảng theo hướng nâng cao năng lực sáng tạo, tự học, thích nghi của người học. Ngoài ra, những phương pháp phát huy tính chủ động, sáng tạo, tư duy phản biện, làm việc nhóm cần được sử dụng trong việc đào tạo.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tự chủ về tuyển sinh, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tự chủ về nhân sự, tài chính…). Bởi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành nghề đào tạo trong xã hội sẽ thay đổi liên tục với những yêu cầu kiến thức và kỹ năng khác nhau. Khi đó, vấn đề tự chủ là rất cần thiết, nhất là tự chủ về mặt học thuật và tự chủ về tài chính.
Trên cơ sở Nhà nước dự báo nhu cầu về nhân lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu nhân lực của xã hội và khả năng đáp ứng, khả năng đào tạo của nhà trường trong việc chủ động xây dựng chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực của ngành quản lý giáo dục nghề nghiệp, đồng thời chủ động về mặt tài chính để đầu tư những khoản kinh phí phù hợp với yêu cầu đào tạo, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, với các doanh nghiệp, bởi những đơn vị này chính là nơi sử dụng sản phẩm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, là cánh tay nối dài cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo ra những lao động mà thị trường đang cần; đồng thời, giúp học sinh, sinh viên bắt nhịp ngay với công việc sau khi ra trường, việc này có lợi cho các bên tham gia khi khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo. Ngoài ra, cần quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mỗi cuộc đổi mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp luôn bắt đầu từ nhà giáo, vì vậy cần xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực, kỹ năng nghề nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Hy vọng với những đề xuất định hướng đào tạo nghề trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ sớm hiện thực hóa Quyết định số 1446/QĐ-TTg, ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, nhằm xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam, trong đó có tỉnh Sóc Trăng.