Nghị định số 18/2021/NĐ-CP:
Đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế
Nghị định số 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được triển khai thi hành gần 7 tháng qua. Nghị định có nhiều điểm mới được quy định rõ ràng, minh bạch không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thực hiện chính sách thuế mà còn đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế của cơ quan Hải quan.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới khắc phục được những điểm chưa hoàn thiện tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ về giải quyết các vướng mắc về thuế xuất nhập khẩu; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Qua gần 7 tháng đi vào triển khai thực hiện, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định hàng hóa nhập khẩu tại chỗ được áp dụng thuế nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc (MFN) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và để góp phần giảm nhập siêu.
Ngoài ra, đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP bổ sung quy định người nộp thuế được phép giao một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhập khẩu để thuê đơn vị khác trong nội địa gia công, sản xuất một hoặc một số công đoạn hoặc toàn bộ công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm để xuất khẩu. Quy định này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu cũng được hưởng ưu đãi về thuế như đối với hàng hóa để gia công.
Nhằm phát huy khả năng sản xuất, gia công của các doanh nghiệp trong nội địa cũng như trong khu phi thuế quan để tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP cũng đã bổ sung quy định người nộp thuế giao hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu thuê tổ chức, cá nhân khác sản xuất, gia công lại tại nước ngoài hoặc khu phi thuế quan.
So với trước đây, doanh nghiệp phải nộp thuế đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu bị tiêu hủy, tuy nhiên, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy vào đối tượng được miễn thuế nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, quy định này góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp khi hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu buộc phải tiêu hủy.
Đồng thời, nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định tỷ lệ 3% đối với phế liệu, phế phẩm của hàng gia công chuyển tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP đã kịp thời sửa đổi thẩm quyền giải quyết giảm thuế đối với trường hợp người nộp thuế nộp hồ sơ sau thời điểm làm thủ tục hải quan là cục hải quan tỉnh, thành phố (thay vì Bộ Tài chính như trước đây).
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP còn nới rộng đối tượng miễn thuế, nhằm tạo thuận lợi cho đối tượng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. So với các quy định cũ tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung cơ sở xác định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu; bãi bỏ thủ tục miễn thuế sau khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh quốc phòng; sửa đổi định mức miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động theo pháp luật về ngân sách; quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện…
Một số doanh nghiệp có trụ sở sản xuất tại khu công nghiệp Đồng Văn – Hà Nam cũng đánh giá cao quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp cho rằng, quy định này đã tiết giảm được thủ tục, khối lượng lớn hồ sơ khai báo, nộp thuế giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp phải thực hiện.
Bên cạnh đó, với những quy định cụ thể minh bạch đã góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.