Đất đai - nội lực quan trọng cho phát triển
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật Đất đai diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh rằng, nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, tài nguyên đất đai còn để lãng phí, hoang hóa, chưa hiệu quả. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…
Thực tế, sau 8 năm có hiệu lực thi hành, Luật Đất đai 2013 đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Những "cái được" nổi bật trong quá trình thực thi Luật Đất đai 2013 là mở rộng quyền tiếp cận đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh.
Việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất cho doanh nghiệp trong nước và ngoài nước bình đẳng như nhau. Luật cũng góp phần hoàn thiện thị trường bất động sản giữa Nhà nước và các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt, đổi mới cơ chế giải quyết đối với các “dự án treo”...
Tuy nhiên, cùng với đó cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến trách nhiệm quản lý còn "mập mờ", chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện, thậm chí còn có những kẽ hở dẫn đến tham nhũng, tiêu cực... Bởi vậy, từ năm 2016 đến năm 2020, Chính phủ đã 4 lần có chỉ thị về sửa đổi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Để hạn chế, khắc phục những tồn tại này, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết. Và để thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu tình trạng chồng chéo trong các quy định của pháp luật có liên quan làm giảm hiệu lực của thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật về đất đai. Chú trọng cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, nhất là tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp.
Đặc biệt, quan điểm của Bộ là khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là cần đổi mới công tác quy hoạch, bảo đảm xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đồng bộ, thống nhất ở từng cấp. Chú trọng khai thác hiệu quả không gian, kết nối liên vùng, tầm nhìn dài hạn để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài... Bên cạnh đó, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất để bảo đảm khách quan, minh bạch, tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế phù hợp với giá cả thị trường.
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Những bất cập, hạn chế trong quá trình thi hành luật cũng đã được chỉ ra cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì đây cũng chính là dư địa để phát triển nếu xác định đúng các quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nút thắt từ thực tiễn để đổi mới chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường cũng như yêu cầu của tiến trình phát triển của đất nước.
Muốn vậy, thì trước tiên phải tổng kết việc thi hành Luật Đất đai. Cụ thể như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải đánh giá được sự chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với các luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp như thế nào? Kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai ra sao?
Đặc biệt phải xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan...