Bộ Tài chính:
Đặt mục tiêu sửa quy định về hoàn thuế cho doanh nghiệp trước ngày 15/3
Trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội đã có những phản ánh về khó khăn trong hoàn thuế của doanh nghiệp và người dân. Để làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có những trao đổi thẳng thắn về công tác hoàn thuế hiện nay, cũng như những giải pháp mà ngành Tài chính đang tiến hành để sửa đổi những quy định trong pháp luật quản lý thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phóng viên:Thưa ông, trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến của DN cho rằng hiện nay câu chuyện hoàn thuế quá khó khăn và làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn vốn của DN. Ông có nhận định như thế nào về ý kiến này?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Về câu chuyện hoàn thuế, đến nay chúng tôi đã có những báo cáo, đánh giá kết quả bước đầu. Có thể nói trong 2 tháng vừa qua số lượng hồ sơ DN gửi đến cơ quan thuế để hoàn cơ bản được giải quyết hết với 3.100 hồ sơ hoàn thuế trên tổng số 13.000 tỷ hoàn thuế. Trong đó, 52% là hoàn thuế trước kiểm tra sau, 48% thực hiện kiểm tra trước, và hoàn thuế sau.
Số DN bị chậm hoàn là 287 hồ sơ. Cũng cần phải nói rõ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc chậm hoàn cho tổng số 287 DN nói trên. Trong đó, về nguyên nhân chủ quan có thể kể đến 2 nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, DN nợ NSNN và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho DN. Nhưng trên thực tế do chúng ta chưa ban hành quy định cho bù trừ, quy định hiện tại vẫn yêu cầu DN phải nộp hết tiền nợ thuế mới thực hiện hoàn. Hiện có khoảng 20 DN trong trường hợp này. Bộ Tài chính đang gấp rút sửa đổi quy định này và sẽ sửa ngay trong tháng 3/2016 về quy định thực hiện bù trừ.
Thứ hai, về kinh phí hoàn thuế: Cần khẳng định rằng kinh phí hoàn thuế của toàn bộ ngành thuế là không thiếu. Hiện kinh phí này trên tài khoản hoàn thuế là 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, có hiện tượng tỉnh thừa tỉnh thiếu. Tôi lấy ví dụ, hiện nay, TPHCM chỉ còn 92 tỷ đồng trong quỹ hoàn thuế, nhưng Hà Tĩnh số dư tài khoản quỹ này lại còn trên 1.100 tỷ đồng dẫn tới tình trạng dư luận có lúc cho rằng quỹ hoàn thuế không còn để xử lý hoàn thuế.
Về nguyên nhân khách quan, cần nói rằng trong 287 trường hợp DN bị chậm hoàn thuế, cơ bản hồ sơ hoàn thuế của các DN này không đảm bảo các quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ví dụ, DN mua hàng hóa của DN không có thực, DN không còn hoạt động sản xuất kinh doanh đã phá sản hoặc giải thể, DN bị đóng MST hoặc không được sử dụng chứng từ. Nói cách khác hồ sơ, chứng từ, sổ sách, hóa đơn mua bán, hợp đồng…của các DN này không hợp lệ và không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu hoàn thuế.
Bên cạnh đó, DN không thanh toán qua Ngân hàng, hồ sơ hoàn thuế đó đang bị cơ quan điều tra điều tra thì chưa thể hoàn, đợi khi có kết luận điều tra mới hoàn được
Như vậy, các nguyên nhân trên là do DN chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thuế thì cơ quan thuế không thể hoàn.
Vậy Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế sẽ có những giải pháp nào để khắc phục những nguyên nhân chủ quan nói trên, thưa Thứ trưởng?
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động, hiện nay chúng tôi đang gấp rút sửa đổi một số quy định không còn phù hợp. Cụ thể, đối với DN nợ NSNN và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho DN thì theo quy định hiện hành, DN phải khắc phục bằng cách nộp phạt thì cơ quan thuế mới hoàn thuế cho DN. Trong thời gian ngắn tới, chúng tôi sẽ sửa chính sách để hạch toán bù trừ cho nhau. Có thể nói, lỗi này do chính sách chưa đồng bộ và cần phải sửa đổi chính sách đó. Chúng tôi cam kết sửa trong thời gian nhanh nhất, cố gắng trước ngày 15/3/2016 tới.
Thứ hai, để điều hòa linh hoạt hơn quỹ hoàn thuế, chúng tôi sẽ sửa quy định không giao hạn mức cho từng địa phương mà là dự toán cho toàn Tổng cục thuế, đảm bảo không có nơi thừa nơi thiếu.
Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng chúng ta tập trung cải cách trước khâu nộp thuế, kê khai thuế nhưng câu chuyện hoàn thuế và thanh kiểm tra thuế chưa được cải cách đúng mức.Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh như thế nào đặc biệt khi có NQ 19 của Chính phủ mà chúng ta thực hiện thời gian qua?
Yêu cầu của NQ19 là cải cách hành chính trong khâu kê khai, nộp thuế và việc hoàn thuế đảm bảo đúng và kịp thời. Chúng tôi đã thực hiện và có những kết quả quan trọng như việc giảm tần suất khai thuế. Trước đây đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), DN phải thực hiện kê khai 12 lần/năm. Hiện nay DN vừa và nhỏ chỉ phải khai theo quý, tức chỉ 4 lần/năm. Tương tự, đối với thuế TNDN trước đây DN phải khai 4 lần và quyết toán 1 lần/năm. Nay DN chỉ quyết toán 1 lần/năm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử.
Đối với năm 2016, NQ 19 đưa ra 3 yêu cầu: một là cải cách và điện tử hóa khâu hoàn thuế. Thứ hai, thanh tra kiểm tra phải theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Xây dựng cơ sở dữ liệu NNT. Trên cơ sở đó theo quy định của pháp luật, những DN nào có dấu hiệu rủi ro, vi phạm pháp luật thì mới thực hiện thanh tra kiểm tra, đảm bảo DN thực hiện tốt không phải thanh tra kiểm tra. Thứ ba, Chúng tôi xác định phải làm tốt công tác giải quyết vướng mắc khó khăn cho DN, những phản ảnh của DN phải được trả lời kịp thời và công khai.
Việc cải cách TTHC thực hiện theo NQ 19 đòi hỏi sự phối hợp từ rất nhiều cơ quan. Công tác phối hợp này được thực hiện như thế nào? Vấn đề gì còn vướng mắc để việc thực hiện NQ 19 tốt hơn nữa thưa Thứ trưởng?
Việc thực hiện các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính của hải quan theo Nghị quyết 19 của Chính phủ cần rất nhiều sự phối hợp giữa hải quan và 8 bộ chuyên ngành liên quan đến công tác kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng an toàn hàng hóa. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hải quan năm 2016 là thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ quyết định về nâng cao hiệu quả, hiệu lực và cải cách chính sách đối với kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để làm sao xây dựng các cơ sở kiểm tra tại cửa khẩu, thực hiện kiểm tra hàng hóa được ngay và đảm bảo chất lượng công tác kiểm tra. Tôi cho đấy là vấn đề quan trọng nhất.
Đồng thời, thực hiện hải quan một cửa quốc gia, nhưng thủ tục hành chính qua một cửa điện tử ấy mới chiếm 30%. 70% còn lại phải tiếp tục thực hiện mới đưa một cửa quốc gia vào thực chất.
Đối với cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội, chúng tôi sau khi xin ý kiến bộ ngành và BHXH sẽ trình Chính phủ đề án phối hợp. Theo đó, cơ quan thuế sẽ làm nhiệm vụ ủy nhiệm thu cho các cơ quan bảo hiểm xã hội để vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác, đồng thời làm giảm đầu mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và DN
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!