Đồng bộ nhiều giải pháp tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước
Năm 2016, ngành tài chính triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn; giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, dự báo tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi NSNN năm 2016.
Trong khi đó, nguồn nội lực còn hạn hẹp, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tuy mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, bội chi NSNN vẫn cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn,... sẽ tạo ra áp lực, thử thách cho công tác thu ngân sách.
Bù đắp hụt thu từ tăng thu nội địa
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, ngay từ khi xây dựng dự toán NSNN năm 2016, để chủ động ứng phó việc giảm thu NSNN do giá dầu thô giảm, giữ vững cân đối, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản điều hành NSNN theo từng mức giá dầu, trong đó có cả mức giá trên dưới 30 USD/thùng, chủ động đưa ra những giải pháp xử lý cụ thể.
Hơn nữa, do tỷ trọng thu trực tiếp và gián tiếp liên quan dầu thô không lớn (khoảng 10% tổng thu NSNN); đồng thời, từ kinh nghiệm điều hành năm 2015 cho thấy, giá xăng dầu giảm cũng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho NSNN,... nên số giảm thu do biến động giá dầu thô có thể được bù đắp từ sự phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu.
Trong giai đoạn gần đây, ngành tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp thu NSNN căn cơ, chủ yếu dựa vào sức sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong nước và từ hoạt động xuất nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào dầu thô.
Theo Tổng cục Thuế, căn cứ dự toán thu NSNN được Quốc hội và Chính phủ giao, Tổng cục đã phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN, đồng thời chỉ đạo các cục thuế địa phương giao nhiệm vụ phấn đấu thu cho các phòng, các chi cục thuế vượt ít nhất 8% dự toán pháp lệnh. Riêng 13 địa phương điều tiết thu ngân sách thì thực hiện giao chỉ tiêu phấn đấu theo số giao của Tổng cục Thuế.
Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, ngành thuế tích cực nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn; phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu để theo dõi sát, đúng với thực tế phát sinh.
Đây chính là cơ sở giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu ngân sách, đồng thời xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành thuế chú trọng thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, dựa trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin về người nộp thuế; tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. Ngành đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để kiểm tra, rà soát, phân loại những ngành nghề có rủi ro cao, kịp thời đưa ra biện pháp đấu tranh với các hành vi gian lận; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu; đẩy mạnh thanh tra hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực như ngân hàng, dự án đất đai, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm,...
Tại các địa phương, do năm 2016 là năm thực hiện sớm trước thời hạn một số thay đổi cơ bản của Luật NSNN mới, cho nên công tác thu NSNN cũng được các địa phương khởi động quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm bảo đảm nhiệm vụ điều hành NSNN trên địa bàn.
Tỉnh Quảng Ninh, năm 2015, dù số thu xuất nhập khẩu bị hụt 6.100 tỷ đồng; thiệt hại do thiên tai 2.700 tỷ đồng (trong đó riêng ngành than - bị thiệt hại 1.200 tỷ đồng) nhưng tỉnh vẫn đạt số thu NSNN 34.368 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 19.771 tỷ đồng, tăng 19% so với dự toán, tiếp tục nằm trong số các địa phương dẫn đầu thu NSNN toàn quốc. Năm 2016, Quảng Ninh đưa mốc phấn đấu cao hơn chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, với số thu 34.300 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành, để vượt khó khăn, bảo đảm nhiệm vụ thu chi NSNN, tỉnh Quảng Ninh đã rất linh hoạt trong công tác điều hành, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, thích hợp với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất số thu NSNN trên địa bàn, bảo đảm số thu năm sau không thấp hơn năm trước, dùng nguồn thu nội địa bù đắp một phần số thu từ xuất nhập khẩu.
Ngoài những nỗ lực của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, các đơn vị, địa phương đều tích cực, chủ động khai thác, quản lý tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời; hạn chế thất thu ngân sách...
Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh triển khai mọi giải pháp để hoàn thành mức thu pháp lệnh 33.900 tỷ đồng vào NSNN được T.Ư giao và mức thu 34.300 tỷ đồng do HĐND tỉnh giao. Trong đó, số thu từ thuế xuất nhập khẩu dự kiến đạt 12 nghìn tỷ đồng (giảm 2.302 tỷ đồng so với năm 2015); thu nội địa dự kiến 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2% (tương đương 400 tỷ đồng) so với dự toán được giao.
Kiểm soát chặt số thu xuất nhập khẩu
Đối với nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, các đơn vị trong ngành tập trung giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc về thủ tục, chính sách, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nộp thuế xuất nhập khẩu.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra các trường hợp giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, ngành hải quan chú trọng kiểm tra các trường hợp khai báo nhầm loại hình, DN, mặt hàng có rủi ro cao; tăng cường kiểm tra sau thông quan cũng như thanh tra, kiểm tra nội bộ.
Việc nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan, phát hiện hành vi gian lận thương mại, chú trọng kiểm tra, phát hiện những vấn đề mới, vấn đề nóng giúp ngành ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng sơ hở của chính sách, pháp luật để gian lận, trốn thuế.
"Ngoài ra, chúng tôi triển khai nghiêm túc kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kế hoạch kiểm tra nội bộ; phối hợp chặt chẽ để chống thất thu thuế, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại và hàng giả", Phó Tổng Cục trưởng Hải quan Nguyễn Dương Thái khẳng định.
Chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất các giải pháp thu cơ bản, nhất là đổi mới cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp... sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN, góp phần giảm lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô. Đây là kinh nghiệm đang được toàn ngành Tài chính triển khai trong điều hành NSNN năm 2016.