Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt 7%
Ngày 14/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về dự thảo xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt 7%
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bao gồm cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, nhân lực chất lượng cao; tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm hơn các giai đoạn trước; thách thức gia tăng từ biến đổi khi hậu và dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống...
Đối với nền kinh tế Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2025 chắc chắn sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa và chậm được khắc phục cũng như các vấn đề xã hội - môi trường gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế, xã hội như: tình trạng già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, cần tập trung nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đưa ra các mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; mục tiêu hướng đến năm 2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn như: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước bình quân 5 năm 2021-2025 tăng khoảng 7%; một số chỉ tiêu cơ bản và đề xuất một số chỉ tiêu cơ bản của bộ, ngành và địa phương cho giai đoạn 2021-2025.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, căn cứ tình hình thực tế xây dựng tốc độ tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương xây dựng phương án tăng trưởng hợp lý và phù hợp.
Định hướng, nhiệm vụ chủ yếu
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 18/CT-TTg đã đề ra các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng.
Ba là, thúc đẩy phát triển các vùng và khu kinh tế theo quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên kết vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng; phát triển các mô hình kinh tế xanh cho các vùng và khu kinh tế; phát triển các vùng nguyên vật liệu trong nước để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế biển.
Bốn là, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông vận tải, cảng biển, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, đô thị, nông nghiệp...; phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị. Tiếp tục xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.
Năm là, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế để phát triển các mô hình kinh tế mới có ứng dụng công nghệ số. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm.
Sáu là, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Trên cơ sở các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cụ thể hóa các cơ chế, giải pháp, chính sách để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Cơ chế, giải pháp, chính sách phải đảm bảo sự thống nhất về các nguyên tắc, mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành và từng địa phương.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3,0% trong năm 2020. Tổ chức này cũng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi 5,8% trong năm 2021 với điều kiện dịch bệnh sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2020. IMF cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2020 và tăng mạnh 7,0% trong năm 2021.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,9% năm 2020 và 7,5% năm 2021.