Đặt "nền móng" để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao cho năm 2024
Năm 2024 sắp đến Việt Nam được dự báo có thể tiếp tục là điểm sáng, là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi là chúng ta cần đặt nền móng vững chắc để củng cố hệ sinh thái kinh doanh nhằm trở nên bền vững hơn và hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI chất lượng cao.
Những dự báo mới nhất cho thấy, năm 2024 Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng trong việc thu hút dòng vốn FDI và đây là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong thu hút FDI có chất lượng, đầu tư lĩnh vực xanh.
Sẽ tiếp tục là điểm sáng
Như dự báo trong tháng 12/2023 của Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Fitch), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ có xu hướng tích cực nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI.
Theo Fitch, khả năng cạnh tranh về chi phí của Việt Nam, lực lượng lao động có trình độ so với các quốc gia khác và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu là tín hiệu tốt cho dòng vốn FDI tiếp tục mạnh mẽ trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giới chuyên gia dự đoán khi bước vào năm 2024 Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định mình là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trong khu vực cho chiến lược “Trung Quốc +1”. Hơn nữa, dòng vốn FDI mới vào lĩnh vực sản xuất có sự đột phá trong năm 2023 tiếp tục mang lại hy vọng cho Việt Nam nhìn thấy sự phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ quay đầu.
Trong nhận định mới đây, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán DSC cho rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng tốc. Tương lai gần, Nhật Bản sẽ là điểm sáng của nguồn vốn FDI, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là chuyển đổi số và phát triển xanh. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, với ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn từ Âu, Mỹ.
Chuyên gia phân tích của DSC nhấn mạnh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài chính là “mỏ neo” lớn nhất, bền vững nhất cho sự phục hồi không ngừng của nguồn vốn FDI, nhất là trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu.
Không những vậy, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những rào cản pháp lý; các hoạt động quảng bá, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc gia đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả trong việc thu hút dòng vốn ngoại
Theo giới chuyên gia, từ năm 2024, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các lợi thế thay thế càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI. Nhất là các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố thực sự giúp họ phát triển thuận lợi, nhất là lao động và chuỗi cung ứng trong nước.
Cho nên, trong năm 2024 sắp đến, điều quan trọng là Việt Nam cần nhìn ra các xu hướng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn nước ngoài sau đại dịch Covid-19 để từ đó nắm bắt cơ hội, còn nếu bỏ lỡ thì các nhà đầu sẽ chuyển hướng sang những thị trường khác.
Ngoài ra, sau khi Việt Nam và Mỹ ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, theo Ts. Burkhard Schrage (Đại học RMIT), đây là động lực mới cho đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong năm 2024. Mỹ là đối tác phù hợp khi Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2050 thông qua việc thay thế các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp bằng các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao.
Củng cố hệ sinh thái kinh doanh bền vững
Tại Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2023 được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh mới đây, giới chuyên gia cho rằng sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện cần để phục vụ cho mục tiêu của Chính phủ là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thu hút nguồn FDI mới chất lượng cao.
Ví dụ, Tập đoàn LEGO đang xây dựng một nhà máy với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn LEGO trên toàn thế giới.
Theo ý kiến của ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp của doanh nghiệp (DN) dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam, Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng phát triển các khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất thông minh, thể hiện ở những ví dụ thành công của các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore và khu công nghiệp Deep C Hải Phòng.
“Đây là những dự án mà chúng ta nên thu hút vì chúng vừa nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, vừa cải thiện vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị”, ông John Campbell chia sẻ.
Trong khi đó, như lưu ý của Ts. Đặng Thảo Quyên – một chuyên gia về kinh doanh quốc tế, những hiểu biết sâu sắc được chia sẻ bởi các DN đa quốc gia uy tín có thể là những gợi ý để Việt Nam củng cố hệ sinh thái kinh doanh nhằm trở nên bền vững hơn và hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI chất lượng cao.
Bà Quyên cho biết: “Toàn cầu hóa bền vững là chủ đề mang tính thời sự đối với Việt Nam và thế giới khi chúng ta vừa chứng kiến hội nghị thượng đỉnh COP28 về biến đổi khí hậu. Việt Nam đang sở hữu nền tảng cần thiết để có thể đạt được tiến bộ đáng kể, củng cố hơn nữa vị thế là điểm đến FDI hấp dẫn.
“Với dòng vốn đầu tư chất lượng cao ngày càng tăng, vấn đề cấp bách đối với các doanh nghiệp là nguồn cung nhân tài có đầy đủ trình độ, hiểu biết, kỹ năng và tầm nhìn quốc tế. Đại học RMIT, đặc biệt là bộ môn Kinh doanh quốc tế, cam kết sẽ đóng góp mạnh mẽ vào việc cung cấp các nguồn lực cần thiết đó”, bà Quyên chia sẻ.
Còn theo ông Adris Bin Isnin, Giám đốc bộ phận Dịch vụ kỹ thuật, khối Bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam, cam kết phát thải ròng bằng không của Việt Nam vì mục tiêu này đem đến đa dạng các cơ hội đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ xanh, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm đến mục tiêu này.