Đất vàng bỏ hoang gây lãng phí, sau thu hồi nên làm gì?
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hiện đang ráo riết xử lý các dự án treo, “ôm đất” rồi bỏ hoang đến cả thập kỷ. Vậy kế hoạch sử dụng các khu đất này ra sao sau thu hồi là vấn đề lớn được đặt ra….
Hà Nội mới đây đã công khai danh sách một loạt dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai, trong đó có nhiều dự án nằm ở những vị trí đắc địa. Danh sách các dự án bị thu hồi được lãnh đạo Hà Nội cho biết sẽ còn tiếp tục được rà soát, công khai.
Tương tự tại TP.Hồ Chí Minh, UBND Thành phố này cũng vừa chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý điều chỉnh, hủy bỏ khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm với 180 dự án.
Một lãnh đạo Hà Nội cho biết, bất kỳ một dự án chậm triển khai nào đều làm lãng phí tài nguyên của thành phố, của đất nước và làm xấu đi hình ảnh đô thị với việc “cứ quây tôn để đó”.
Tuy nhiên sau thu hồi, một vấn đề lớn đặt ra đó kế hoạch sử dụng các khu đất này ra sao. Liệu thành phố có cho xây bãi đỗ xe, công viên cây xanh hoặc những công trình công cộng hay tiếp tục giao cho doanh nghiệp xây nhà, làm dự án…?
Nêu quan điểm về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói: Câu chuyện thu hồi đất của các dự án treo vốn là câu chuyện phức tạp từ xưa đến nay, bởi cho đến giờ, vẫn còn những vấn đề nhất định về mặt khung chính sách pháp luật.
Trước đây, đã có quy định sau 24 tháng dự án chậm tiến độ sẽ thu hồi đất, trừ những dự án địa phương cho phép kéo dài. Nhưng Luật Đất đai 2013 đưa ra cơ chế mạnh hơn, cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa, tức là tổng cộng trong vòng 4 năm, nhưng nếu dự án vẫn treo thì sẽ thu hồi cả đất và cả tài sản trên đất. Dự án nào đến 4 năm vẫn chưa triển khai được thì chắc chắn việc chủ đầu tư được giao dự án không hẳn vì họ có năng lực.
Quy định như vậy song theo ông Võ, đến nay chưa có bất cứ địa phương nào tiến hành thu hồi đất gắn với thu hồi tài sản trên đất. Bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi tài sản đã đầu tư trên đất là vi hiến. Như vậy để thấy rằng, chúng ta chưa có khung pháp lý hiệu quả, hợp lý và khả thi để áp dụng trên thực tế.
“Trên địa bàn Hà Nội lâu nay có tình trạng đất dự án bỏ không trong cả 10 năm hoặc dài hơn thế, đặc biệt có những dự án ở ngay trên các mảnh “đất vàng”. Bởi thế, người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi liệu “có gì đó” bên cạnh quyết định giao đất không? Vì nếu giao đất có điều kiện, có yếu tố gắn với lợi ích, với tham nhũng thì khó để thu hồi bởi vướng lợi ích của bên này, bên kia”, ông Võ nói và nhấn mạnh: Dù chỉ là câu hỏi được đặt ra nhưng đó là khía cạnh cần xem xét.
Cũng theo ông Võ, dù khung pháp lý có thể chưa hoàn thiện nhưng quy định của pháp luật về việc này đã có, hoàn toàn có thể tiến hành thu hồi đất ở những dự án chậm tiến độ. Còn tài sản đầu tư trên đất có thể tính toán sau. Với đất đai, đặc biệt những khu đất vàng không thể để lãng phí, chậm thu hồi ngày nào là mất mát, lãng phí tài sản ngày đó.
Theo quan điểm của ông Đặng Hùng Võ, lãnh đạo thành phố nên thay đổi tư duy theo hướng, thay vì sử dụng các khu đất “vàng” làm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê, nên sử dụng để làm các công trình công cộng như công viên, bãi đỗ xe…
“Thành phố đang quá thiếu những công trình như thế, trong khi các tòa nhà chọc trời ở nội đô đã và đang hàng ngày, hàng giờ “bức tử” giao thông thành phố”, ông Võ nhận xét.
Vị này cho rằng: Việc giao đất vàng làm nhà cao tầng, trung tâm thương mại có thể mang lại lợi ích cho một nhóm người. Nhưng về lâu về dài, hệ lụy mà nó đem lại sẽ khiến cả triệu người khác phải gánh chịu.