Vẫn cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản

PV.

Sau giai đoạn khủng hoảng 2011-2013, thị trường bất động sản (BĐS) đã từng bước hồi phục. Tuy nhiên, do hậu quả của đợt khủng hoảng này, nhiều dự án BĐS vẫn trở thành món nợ xấu cực kỳ khó giải quyết với nhiều ngân hàng trong khi đến nay nhiều người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi để có thể nhận nhà. Do vậy, dù có những tác động không mong muốn đến thị trường BĐS, song để bảo đảm an toàn cho sự phát triển của từng thị trường và nền kinh tế, việc siết chặt tín dụng đối với thị trường BĐS là yêu cầu bắt buộc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của các ngân hàng vào BĐS đang được duy trì trong khoảng dưới 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, giảm rất nhiều so với ngưỡng xấp xỉ 30% giai đoạn 2010-2011. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay đầu tư kinh doanh BĐS được kiểm soát chặt chẽ.

Thời gian qua, trước dấu hiệu tăng trưởng nóng, NHNN đã lên tiếng phải cảnh báo và yêu cầu các ngân hàng phải rất thận trọng khi cho vay đối với lĩnh vực này với yêu cầu thủ tục, điều kiện vay chặt chẽ, đảm bảo khâu đầu vào tốt để hạn chế rủi ro. Theo đó, các ngân hàng cần phải kiểm soát dòng vốn này để đảm bảo người vay vốn sử dụng đúng mục đích.

Thực ra, chủ trương tăng cường kiểm soát lĩnh vực rủi ro, thắt chặt tín dụng vào các lĩnh vực này đã xuất hiện từ vài năm trước, khi thị trường BĐS vẫn đang phát triển mãnh mẽ, và đến đầu năm 2018 thì được triển khai rộng trên thực tế.

Ngay từ đầu năm 2018, có nhiều văn bản liên quan đến tín dụng dành cho BĐS đã được ban hành. Cụ thể, ngày 1/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cuối tháng 1/2018, NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án BĐS, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp... Đồng thời yêu cầu các ngân hàng giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn; Tăng hệ số rủi ro cho vay BĐS…

Đồng tình với chủ trương của Chính phủ, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cần siết chặt tín dụng đối với thị trường BĐS dù có những tác động không mong muốn đến thị trường này. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, dù chủ trương trên có thể khiến thị trường BĐS bị co hẹp lại, nhưng mức độ ảnh hưởng là không nhiều thậm chí vẫn có thể hỗ trợ hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng tích cực hơn.

Rõ ràng, việc thắt chặt tín dụng BĐS là cần thiết để giảm bớt rủi ro cho tất cả các bên tham gia thị trường. Bởi khi chủ đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, nếu dự án hoặc thị trường có biến động tiêu cực sẽ khó tránh khỏi khủng hoảng, đổ vỡ.

Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng còn giúp thúc đẩy tính chuyên nghiệp của các chủ đầu tư bởi họ sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường cũng như phương án đầu tư, thực hiện tái cơ cấu hoạt động... trước khi triển khai dự án để đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hiện nay, NHNN không cấm cho vay BĐS, những dự án tốt ngân hàng vẫn cho vay. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực BĐS cần có lựa chọn, tăng cường nguồn vốn cho các dự án hoàn thành nhanh và phát huy hiệu quả, trì hoãn đối với các dự án đắp chiếu kéo dài.