DATC tập trung mua, bán nợ của các tập đoàn, tổng công ty


(Tài chính) Một trong những nhiệm vụ được Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) ưu tiên thực hiện trong năm 2014 là chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để đàm phán mua bán nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...

Tham gia xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinashin là một trong những nhiệm vụ năm 2014 của DATC
Tham gia xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinashin là một trong những nhiệm vụ năm 2014 của DATC

Trước mắt, DATC sẽ tập trung mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu các doanh nghiệp (DN) thành viên thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và các DN khác.

Trong năm 2013, DATC đã ký được 15 hợp đồng mua nợ trị giá các khoản nợ là 1.793 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 537 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 30%), đạt 101% so kế hoạch năm 2013, tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2012. Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ là 326,8% tỷ đồng, đạt 89% so kế hoạch năm 2013, tăng gấp 1,7 lần so với thực hiện năm 2012.

Lũy kế từ năm 2004 đến năm 2013, Công ty đã thực hiện tổng cộng 136 phương án mua bán nợ với trị giá các khoản nợ theo mệnh giá sổ sách kế toán là hơn 10.000 tỷ đồng, giá vốn mua nợ gần 3.000 tỷ đồng. Đã thu hồi được hơn 3.100 tỷ đồng, trong đó chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại 62 DN mà DATC tái cơ cấu thành công là hơn 700 tỷ đồng.

Đặc biệt, thông qua hoạt động mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, Công ty DATC đã tái cơ cấu thành công 8 DN khách nợ. Trong đó, đã tái cơ cấu chuyển đổi xong 5 DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và tái cơ cấu xong 3 công ty cổ phần có tiềm năng trên thị trường.

Trong năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, DATC đã phát hành và niêm yết thành công trái phiếu của DATC có bảo lãnh của Chính phủ để tái cơ cấu các khoản nợ mà Vinashin vay của các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài. Giá trị trái phiếu quốc tế đã phát hành là 626.799.000 USD để cơ cấu khoản nợ nước ngoài là 626.799.000 USD và phát hành trái phiếu trong nước với số tiền gần 3.500 tỷ đồng để xử lý 17.500 tỷ đồng của Vinashin nợ tại 18 tổ chức tín dụng trong nước.

Được biết, trong năm 2014, DATC sẽ tiếp tục chủ động, tích cực làm việc với các DN khách nợ để tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá lại toàn bộ các phương án mua nợ đã và đang xử lý chưa xong còn tồn lại. Đồng thời tích cực triển khai các phương án mua bán nợ mới với phương châm là lựa chọn những phương án mua bán nợ có tính thanh khoản cao để triển khai thực hiện. Phấn đấu năm 2014, DATC tái cơ cấu thành công được khoảng 20 DN khách nợ, trong đó tái cơ cấu chuyển đổi được khoảng 10-12 DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Có thể nói, trong hành trình 10 năm hoạt động (2003-2013) với trọng trách được giao, DATC đã "cứu sống" nhiều DN. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty đã hoàn thành việc tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa DNNN gần 3.000 DN, trong đó, có hơn 1.000 DN của Trung ương. Về cơ bản, Công ty đã tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa của hầu hết các DNNN. DATC cũng đã chủ động, tích cực xử lý nhanh các khoản nợ và tài sản tồn đọng để tăng cường khả năng thu hồi vốn về cho Nhà nước.

Công ty đã hoàn thành việc xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận khi cổ phần hóa các DNNN, đã thu cho NSNN  hàng nghìn tỷ đồng, góp phần giải phóng nhanh kho bãi, mặt bằng… tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đã cổ phần hóa sớm triển khai các kế hoạch phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đề ra; đồng thời đã tăng thu cho NSNN từ số nợ và tài sản tồn đọng đã loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Nhưng thời điểm hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng được DATC ưu tiên hàng đầu đó là tái cơ cấu DNNN. Theo đó, vấn đề xử lý dứt điểm nợ xấu và vai trò của DATC trong xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp, các ngân hàng được đề cao.

Cùng với đó, DATC sẽ tập trung rút ngắn thời gian đàm phán cũng như thời gian thẩm định, phê duyệt các phương án mua bán nợ. Trong đó thực hiện linh hoạt, đa dạng hóa các phương thức xử lý nợ như mua nợ, xử lý tài chính, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần để tái cơ cấu DN khách nợ, mua nợ thu hồi nợ, mua nợ để bán nợ...