DATC vững bước vào năm 2022


Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực. Hòa chung cùng kết quả tích cực của nền kinh tế đất nước, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam cũng ghi nhận nhiều nỗ lực vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Năm 2022, DATC tiếp tục thực hiện mua nợ để hỗ trợ tái cơ cấu tài chính Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines
Năm 2022, DATC tiếp tục thực hiện mua nợ để hỗ trợ tái cơ cấu tài chính Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị

Mặc dù, năm 2021, phải đối mặt với nhiều, khó khăn thách thức khi thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, nhưng bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, nhân viên, DATC đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch an toàn tuyệt đối, vừa hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh.

Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt 1.450 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch kinh doanh được Bộ Tài chính phê duyệt; Lợi nhuận trước thuế đạt 215 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; Nộp ngân sách nhà nước 159 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; Doanh số thu hồi nợ và tài sản ước đạt 1.600 tỷ đồng. Doanh số mua nợ đạt khoảng 1.750 tỷ đồng.

Trong năm, DATC tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao như: Tái cơ cấu nợ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC); xử lý nợ tại Vinalines và các đơn vị thành viên. Cùng với đó, DATC chủ động báo cáo Bộ Tài chính về kết quả thanh lý, nhượng bán tài sản bảo đảm (từ ngày 01/01/2010 đến ngày 30/6/2021).

Báo cáo Bộ Tài chính về việc thanh toán Hối phiếu nhận lãi; Gửi công văn cho SBIC về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Phụ lục hợp đồng nhận nợ với DATC theo các điều khoản của Hợp đồng ứng vốn giữa DATC và Bộ Tài chính. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo tái cơ cấu SBIC, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải về việc đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến tái cơ cấu nợ SBIC đến ngày 31/12/2020 và kiến nghị của DATC.

DATC cũng phối hợp cùng Cục Tài chính DN tham gia ý kiến đối với dự thảo công văn của Bộ Tài chính trả lời SBIC liên quan đến thanh toán từ tài khoản tạm giữ và việc đối chiếu, xác nhận công nợ đối với số tiền Bộ Tài chính bảo lãnh thanh toán Hối phiếu DATC; Tham gia ý kiến đối với hồ sơ tờ trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung quy định quản lý tập trung các nguồn vốn của SBIC; Xác nhận số dư hợp đồng ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ...

Mặt khác, DATC cùng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại kiến nghị cơ chế xử lý tiếp theo đối với việc tái cơ cấu nợ Trái phiếu DATC, Hối phiếu DATC; Tham gia ý kiến về các chi phí cần thiết khi thanh lý, nhượng bán tài sản bảo đảm; Họp bàn với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về phương án DATC mua lại trái phiếu trước hạn; Báo cáo Bộ Tài chính về việc phương án xử lý Khu công nghiệp Mỹ Trung để thu hồi nợ trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ; Rà soát các đơn vị có tài sản bảo đảm của SBIC nằm trên diện tích đất bị cơ quan chức năng thu hồi...

DATC cũng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ mua và xử lý nợ của Vinalines và các đơn vị thành viên theo Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ đến 31/12/2020; Đàm phán ký hợp đồng mua nợ phải thu của các ngân hàng tại Vinalines và các đơn vị thành viên theo Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ...

Cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, DATC đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện thể chế. Tiêu biểu như: Xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 42/2021/TT-BTC ngày 04/6/2021 ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC; Thông tư số 62/TT-BTC ngày 29/7/2021 về ban hành Quy chế tài chính của DATC. Đồng thời, phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Dự thảo sửa đổi Thông tư số 50/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019 về việc hướng dẫn bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của DN nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Đặc biệt, trong năm 2021, DATC đã hoàn thiện, ban hành các quy trình, quy chế nội bộ; Ban hành sổ tay về tham gia đấu giá mua nợ, tài sản của các ngân hàng thương mại; Nghiên cứu xây dựng cơ chế thí điểm phương án mua DN gắn với mua, xử lý nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp và kịp thời bổ sung, cập nhật chính sách, chế độ mới ban hành của Nhà nước.

Vững bước vào năm 2022

Trên cơ sở kế quả đạt được năm 2021, dự báo diễn biến của dịch bệnh và của nền kinh tế trong thời gian tới, DATC đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2022 như sau: Tổng doanh thu đạt 1.450 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm 2021 được Bộ Tài chính phê duyệt; Lợi nhuận trước thuế đạt 170 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước 124 tỷ đồng.

DATC sẽ đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận xử lý nợ và tài sản loại trừ theo chức năng và nhiệm vụ của DATC và phù hợp với tiến độ cổ phần hóa các DN; tiếp tục tăng cường hoạt động xử lý nợ và tài sản loại trừ của các DN đã tiếp nhận trước năm 2022.

Đối với các nhiệm vụ liên quan đến tái cơ cấu SBIC, DATC sẽ bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tường Chính phủ, Bộ Tài chính, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tài sản đảm bảo, đối với trái phiếu DATC, trái phiếu quốc tế DATC, hối phiếu DATC đã phát hành để tái cơ cấu nợ cho SBIC. Đồng thời, tiến hành khảo sát đánh giá khả năng tái cơ cấu doanh nghiệp đối với một số DN thuộc nhóm giữ lại để tái cơ cấu gắn với chuyển đổi sở hữu, tối đa hóa khả năng thu hồi nợ, góp phần giảm nghĩa vụ bảo lãnh của Chính phủ.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện mua nợ để hỗ trợ tái cơ cấu tài chính Công ty Mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines/VIMC) và các đơn vị thành viên theo Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ; Thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến xử lý nợ, tái cơ cấu các DN khó khăn thuộc ngành công thương theo chỉ đạo của Chính phủ.

(*) Thành Trung/Bài đăng trên Tap chí Tài chính Kỳ 1+2 - Tháng 01/2022