Dấu ấn tài chính Việt Nam trong hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế
Năm 2020, bên cạnh những thành tựu về quản lý ngân sách nhà nước, ngành Tài chính đã ghi nhận những kết quả quan trọng trong lĩnh vực hợp tác và hội nhập quốc tế.
Chủ trì thành công các tiến trình hợp tác tài chính khu vực ASEAN và ASEAN+3; kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực; tăng cường quan hệ hợp tác tài chính song phương với các đối tác chiến lược... là những điểm sáng trong hoạt động đối ngoại của ngành Tài chính trong năm 2020. Các kết quả này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh một năm nhiều khó khăn thách thức do tác động bởi đại dịch Covid-19.
Chủ trì tiến trình Bộ trưởng Tài chính ASEAN và ASEAN+3
Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN và ASEAN+3 được hình thành từ rất sớm, lần lượt vào năm 1995 và 1997. Đây là các kênh hợp tác về tài chính sâu rộng nhất của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Trong năm 2020, Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN và Đồng Chủ tịch tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN+3 cùng với Nhật Bản. Mặc dù, phải đối diện với những tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính Việt Nam đã cùng các nước thành viên tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính khu vực theo đúng mục tiêu đề ra. Cụ thể:
- Hợp tác tài chính ASEAN 2020 hướng tới mục tiêu tài chính bền vững: Việt Nam đã đề xuất 13 sáng kiến ưu tiên trong khuôn khổ Trụ cột Kinh tế ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, tài chính, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, thống kê, du lịch, đổi mới sáng tạo…
Nằm trong Trụ cột Kinh tế ASEAN, sáng kiến ưu tiên “Tài chính bền vững trong ASEAN” do Bộ Tài chính Việt Nam đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả các nước thành viên. Sáng kiến này được xây dựng nhằm khuyến khích các nước ASEAN tăng cường phát hành trái phiếu theo các tiêu chuẩn của ASEAN đối với trái phiếu xanh (GBS), trái phiếu xã hội (SBS) và trái phiếu bền vững (SUS).
Theo đó, các dự án đáp ứng được các yêu cầu về trách nhiệm môi trường, xã hội và bền vững khi phát hành trái phiếu để huy động vốn tuân thủ theo các tiêu chuẩn trái phiếu GBS, SBS và SUS sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn giảm thuế, phí tuỳ theo quy định của mỗi nước thành viên ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN tháng 10/2020 đã thông qua các kết quả đầu ra quan trọng của sáng kiến “Tài chính bền vững trong ASEAN”, bao gồm “Báo cáo thúc đẩy Tài chính bền vững trong ASEAN” và “Lộ trình về Phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN”. Các báo cáo này cũng đã được tổng hợp trong kết quả chung của Trụ cột Kinh tế ASEAN 2020 báo cáo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020).
Bên cạnh đó, trong vai trò Chủ trì tiến trình hợp tác, Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính các nước thành viên tiếp tục triển khai các sáng kiến trong các lĩnh vực hợp tác tài chính khu vực như: Mở rộng hợp tác thuế, hải quan, tự do hóa dịch vụ tài chính, tăng cường tài chính bền vững và tiếp tục thúc đẩy tài chính cơ sở hạ tầng (CSHT). Tất cả các hoạt động hợp tác tài chính này đều hướng tới việc thực hiện các mục tiêu đã được đề ra tại Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint 2025).
Trong năm 2021, mặc dù sẽ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2021 cho Brunei, Bộ Tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN.
- Tăng cường giám sát, đảm bảo ổn định kinh tế tài chính khu vực ASEAN+3: Hướng tới mục tiêu duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3, tiến trình hợp tác tài chính giữa ASEAN và 03 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm 2020 được triển khai theo 4 nội dung chính: (i) Kiểm điểm kinh tế và Đối thoại chính sách (ERPD); (ii) Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM); (iii) Sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI); (iv) Định hướng các ưu tiên hợp tác tài chính ASEAN+3 trong tương lai. Cụ thể:
(i) Cơ chế ERPD trong ASEAN+3 là khuôn khổ đối thoại chính sách giữa các nước ASEAN+3 và các tổ chức quốc tế nhằm đánh giá, chia sẻ tình hình, cũng như định hướng chính sách, đảm bảo ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
(ii) Đa phương hoá CMIM là thỏa thuận, cho phép các quốc gia thành viên có thể nhận được các khoản hỗ trợ khẩn cấp thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ trong điều kiện nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn về thanh khoản và mất cân bằng cán cân thanh toán.
Với 2 thể thức hỗ trợ ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng, Quỹ CMIM với quy mô 240 tỷ USD là nền tảng an toàn tài chính khu vực quan trọng, không chỉ giúp các nước thành viên vượt qua khó khăn, mà còn giúp đảm bảo sự ổn định về tài chính và kinh tế vĩ mô của khu vực.
Trong năm 2020, với việc thông qua Kế hoạch triển khai trung hạn của Văn phòng Nghiên cứu Vĩ mô ASEAN+3 giai đoạn 2020-2024, nâng cấp cả về nguồn lực tài chính, nhân sự và chức năng, Văn phòng Nghiên cứu Vĩ mô ASEAN+3 được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể vai trò trong khu vực, đáp ứng yêu cầu của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3.
(iii) Phát triển ABMI, Hoạt động của ABMI triển khai theo 5 nhóm công tác, bao gồm: Khuyến khích phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ; Thúc đẩy nhu cầu trái phiếu bằng đồng nội tệ; Tăng cường khung pháp lý thị trường trái phiếu khu vực; Nâng cao CSHT liên quan đến thị trường trái phiếu; Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật...
(iv) Nhằm tiếp tục tìm kiếm và phát triển các sáng kiến hợp tác mới trong tương lai, các nước ASEAN+3 đã thành lập 5 nhóm nghiên cứu để thảo luận về các định hướng hợp tác mới, bao gồm: (i) Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư, cũng như kết nối thanh toán; (ii) Tài chính CSHT; (iii) Các công cụ hỗ trợ nhằm giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; (iv) Tăng cường sự phục hồi tài chính trước biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai; (v) Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính.
Trong năm 2021, tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát vĩ mô và đối thoại chính sách, tìm kiếm các giải pháp ứng phó với thách thức từ đại dịch Covid-19; nâng cấp và hoàn thiện CMIM và năng lực hoạt động của AMRO; thực hiện Lộ trình trung hạn sáng kiến ABMI và xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động cho 5 định hướng hợp tác mới trong ASEAN+3...
Thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực thông qua thực hiện các hiệp định thương mại tự do
Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham gia đàm phán các hiệp định: FTA Việt Nam – Israel, Hiệp định Thương mại Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (Việt Nam-EFTA) và Hiệp định FTA Việt Nam-Anh. Đồng thời, chủ động tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khung khổ pháp luật về thuế, hải quan. Đặc biệt, để thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020-2022.
Thành công trong đàm phán, ký kết các FTA, tham gia các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Thống kê từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng nhanh, đặc biệt năm 2017 đạt mức tăng trưởng 21,8% xuất khẩu và 21,9% về nhập khẩu. Cán cân thương mại hàng hóa đều đạt mức thặng dư và tăng trưởng hàng năm.
Trong năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng xuất, nhập khẩu vẫn ghi nhận chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu cũng gặp nhiều thách thức, do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, trên tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nguồn tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020), Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp điều hành chính sách liên quan đến thuế nội địa hợp lý, tái cơ cấu nguồn thu, mở rộng cơ sở thu thuế.
Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường hoàn thiện công tác pháp luật thể chế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu NSNN nhằm hạn chế tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA; tiếp tục thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tiết kiệm chi phí...
Tăng cường hợp tác song phương với các đối tác quốc tế
Bên cạnh các hoạt động hợp tác đa phương, các quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính cũng được thúc đẩy, cụ thể:
- Khung hợp tác tăng cường tài chính cho CSHT giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Việt Nam: Ngày 06/11/2019, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Việt Nam đã ký Khung hợp tác tăng cường tài chính cho CSHT giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Việt Nam, nhằm mục tiêu góp phần phát triển CSHT tại Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập Nhóm công tác về CSHT năng lượng để phối hợp triển khai nghiên cứu các cơ chế, giải pháp về tài chính để phát triển CSHT.
- Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Hungary: Ngày 25/9/2017, Việt Nam và Hungary đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác tài chính với thời hạn 3 năm từ 2017-2020. Nội dung hợp tác gồm: (i) Phân tích, dự báo tài chính và kinh tế vĩ mô; (ii) Chính sách và quản lý thu chi ngân sách (gồm thuế và hải quan); (iii) Quản lý nợ công và phát triển thị trường trái phiếu chính phủ và các lĩnh vực khác...
- Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Ba Lan: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan đã ủy quyền cho ông Wojciech Gerwel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác với Lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam (9/10/2020).
Bản ghi nhớ là khung khổ hợp tác giữa Bộ Tài chính hai nước nhằm mục tiêu tăng cường và thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thuế (QLT) và tài chính công. Bản ghi nhớ gồm 4 lĩnh vực hợp tác cụ thể: (i) Thuế, đặc biệt là nội dung liên quan đến chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận, kinh nghiệm về QLT đối với nền kinh tế kỹ thuật số, kinh nghiệm về thanh tra, kiểm tra, QLT DN lớn, giá chuyển nhượng, kinh nghiệm về quản lý rủi ro; (ii) Dự báo, phân tích tài chính, kinh tế vĩ mô phục vụ việc xây dựng và thực thi chính sách tài khóa (tập trung vào chính sách thuế); (iii) Quản lý nợ công; (iv) Các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm và đồng thuận bằng văn bản.
- Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Cuba: Hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Cuba tập trung thực hiện các nội dung: Hệ thống chỉ số đánh giá kinh tế vĩ mô và hiệu quả chính sách tài khóa; Công tác quản lý nợ công và đảm bảo cân đối ngân sách; Chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính; Hệ thống kiểm tra, giám sát ngân sách nhà nước (NSNN); Quản lý NSNN và quan hệ ngân sách trung ương - địa phương; QLT và các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm...
- Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố New Zeland: Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và tài chính giữa Việt Nam và New Zeland, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố New Zeland đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính vào ngày 23/7/2020. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ này sẽ giúp tăng cường đối thoại và hợp tác giữa hai bên về các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, nhất là quản lý ngân sách và tài khóa, quản lý nợ, chính sách thuế, ổn định kinh tế vĩ mô và các vấn đề kinh tế - tài chính khác.
Thúc đẩy hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển
- Các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển tiếp tục cam kết hỗ trợ Bộ Tài chính thực hiện cải cách quản lý tài chính công: Năm 2020, Bộ Tài chính hoàn thành thủ tục tiếp nhận cho 02 chương trình dự án do Chính phủ Đức và Chính phủ Nhật Bản tài trợ, với tổng vốn ODA viện trợ không hoàn lại cam kết là 2,35 triệu USD để hỗ trợ Bộ Tài chính cải cách thuế, nâng cao sự tuân thủ của người nộp thuế, tăng cường hiệu quả QLT của Cơ quan thuế Việt Nam và cải cách quản lý tài chính công với tầm nhìn trung hạn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang thực hiện các thủ tục để tiếp nhận 02 chương trình dự án mới do EU và Chính phủ Nhật Bản tài trợ, với tổng vốn ODA viện trợ không hoàn lại cam kết là 17,7 triệu USD để hỗ trợ Bộ Tài chính áp dụng chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính, tăng cường năng lực quản lý ngân sách, dự báo thu, công khai minh bạch các thông tin tài khóa, quản lý nợ và cải cách chính sách thuế.
- Nguồn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển đã được quản lý và sử dụng có hiệu quả để đóng góp quan trọng cho công tác cải cách quản lý tài chính công. Nhiều nội dung cải cách của Bộ Tài chính đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách của các chuyên gia quốc tế và trong nước, từ đó hoàn thiện thể chế quản lý tài chính-ngân sách, tăng cường năng lực quản lý thu-chi NSNN, quản lý nợ công, phát triển thị trường vốn trong nước…
Đối thoại chính sách giữa Bộ Tài chính với các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển được duy trì, tăng cường làm việc trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19. Các đánh giá, nhận định và khuyến nghị của các tổ chức tài chính quốc tế đã đóng góp quan trọng cho công tác điều hành của Bộ Tài chính.
Trong năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã cử đại diện tham dự 3 cuộc họp cấp nguyên thủ về tài chính cho phát triển tổ chức bên lề Đại hội đồng Liên Hợp quốc Khoá 75; Hội nghị cấp cao trực tuyến khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Nhóm chuyên gia cao cấp và Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương phối hợp tổ chức và tham dự nhiều hội thảo quốc tế cấp chuyên gia do các đối tác tổ chức về các chủ đề khác nhau như: Tăng cường huy động nguồn thu nội địa và hợp tác thuế quốc tế; Thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua đổi mới kỹ thuật số; Cải cách thị trường tài chính khu vực châu Á; Mô hình đánh giá kinh tế vĩ mô và phản ứng chính sách trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... Nội dung trao đổi và kinh nghiệm của các nước tại các hội thảo này đã góp phần nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho các cán bộ của Bộ Tài chính trong các lĩnh vực tài chính công và phục vụ trực tiếp cho công tác tham mưu hoàn thiện chính sách tài chính.