Dầu Nga sẽ gây "xích mích" EU- Ấn Độ?


Dù được mong chờ, nhưng triển vọng hợp tác sâu sắc hơn về thương mại và công nghệ giữa EU và Ấn Độ đã bị lu mờ bởi một vấn đề nan giải - Dầu của Nga.

Tương lai hợp tác thương mại giữa EU và Ấn Độ bị lu mờ bởi vấn đề dầu Nga
Tương lai hợp tác thương mại giữa EU và Ấn Độ bị lu mờ bởi vấn đề dầu Nga

Tại hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ vào ngày 16/5 vừa qua, lãnh đạo hai bên đã kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghệ và thương mại. Song kết quả đã không như kỳ vọng do vấn đề liên quan đến dầu Nga.

Vấn đề Nga cản trở hợp tác Ấn Độ - EU

Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Ấn Độ đã từng nhận được nhiều kỳ vọng của quan chức hai bên.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết mối quan hệ EU-Ấn Độ có tiềm năng trở thành "mối quan hệ đối tác của thế kỷ 21". Trong khi đó, EU rất muốn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ sau khi xảy ra chiến sự Nga- Ukraine. Brussels cũng đã có động thái nối lại các cuộc đàm phán với Ấn Độ về một thỏa thuận thương mại tự do đang bị đình trệ.

Trên nền tảng đó, một chương trình hợp tác đã được thiết kế để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Sợi dây liên kết này càng trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phương Tây đang cần thiết lập các liên minh chuỗi cung ứng để tách khỏi ngành công nghệ Trung Quốc.

Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng vào quan hệ thương mại tốt đẹp hơn với EU
Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng vào quan hệ thương mại tốt đẹp hơn với EU

Tuy nhiên, không khí tốt đẹp đó đã bị lu mờ bởi một vấn đề nan giải – Dầu Nga. Thay vì hướng tới những thỏa thuận tương lai, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, đã thổi bùng lên tranh cãi khi nói rằng Brussels nên tiến hành trừng phạt các nước thứ ba tinh chế dầu của Nga và bán các sản phẩm này cho khối.

“Nếu dầu diesel hoặc xăng được xuất khẩu từ Ấn Độ vào châu Âu có nguồn gốc từ Nga, đó chắc chắn là một sự lách luật trừng phạt và các quốc gia thành viên EU sẽ phải có biện pháp”, ông Josep Borrell nói với Financial Times.

Đáp trả tại một cuộc họp báo ở Brussels, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phủ nhận những lời chỉ trích rằng nước ông đang giúp Moscow lách lệnh trừng phạt. Theo ông, các quy tắc của EU quy định rằng “nếu dầu thô của Nga bị biến đổi đáng kể, nó sẽ không được coi là của Nga nữa”.

Thế khó của cả EU và Ấn Độ

Để hậu thuẫn toàn diện cho Ukraine, EU đang đối mặt sức ép phải gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành dầu khí của Nga. Khối này đang thảo luận về các biện pháp cho gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga, trong đó nhấn mạnh cách làm thế nào để khiến Nga không thể “lách” các biện pháp hiện có.

Để làm được điều đó, Brussels đang xem xét trừng phạt các nước thứ 3 nếu họ bị phát hiện vi phạm các quy tắc này, mở ra nguy cơ lớn đối với các quốc gia đang thu mua dầu Nga với giá rẻ, bao gồm Trung Quốc, Iran và đặc biệt là Ấn Độ.

Ấn Độ chắc chắn không phải là đối tượng ưu tiên trừng phạt của Mỹ và EU, nhưng phương Tây khó có cớ để loại trừ các biện pháp trừng phạt New Delhi nếu có đủ bằng chứng.

Dữ liệu từ nền tảng vận chuyển Kpler cho thấy Ấn Độ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ các sản phẩm dầu của Nga. Nhờ loại bỏ được các đối tác cạnh tranh châu Âu, Ấn Độ đã tiết kiệm được khoảng 89 USD/tấn dầu thô, theo giới chuyên gia phân tích. Đó là lý do vì sao kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga đã tăng từ khoảng 1 triệu thùng/tháng lên hơn 63 triệu thùng/tháng.

Đồng thời, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của quốc gia Nam Á sang EU cũng tăng vọt, khiến ngày càng nhiều nghi ngờ cho rằng Châu Âu đang mua chính dầu Nga qua tay Ấn Độ.

Nhập khẩu dầu diesel của châu Âu từ Ấn Độ đã tăng gần gấp 10 lần vào tháng trước so với cùng kỳ năm 2023, với các quốc gia thành viên EU mua hơn 5 triệu thùng. Dòng nhiên liệu máy bay từ Ấn sang châu lục cũng đã tăng hơn 250% lên tổng số 2,49 triệu thùng.

Vấn đề là, EU không thể “mạnh tay” với một đối tác thương mại quan trọng của họ ở châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc đang lấn át cả châu Âu và Mỹ trong các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, bỏ qua các việc làm của New Delhi cũng khiến họ hứng chịu nhiều chỉ trích của Mỹ và Ukraine.

Ông Oleg Ustenko, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, từng nói vào tháng 3 rằng: “Chúng tôi có đủ bằng chứng cho thấy một số công ty quốc tế đang mua các sản phẩm lọc dầu được làm từ dầu của Nga và bán chúng sang châu Âu. Điều đó hoàn toàn hợp pháp, nhưng hoàn toàn vô đạo đức”.

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn