Đầu tư chứng khoán thế nào trong nửa cuối 2020?
Chỉ trong nửa đầu năm 2020 mà các nhà đầu tư chứng khoán đã chứng kiến đầy đủ các cung bậc cảm xúc khi thị trường lao dốc tệ hại. Tiếp đó là 3 tháng hồi phục mạnh mẽ nhất thập kỷ khiến các thành viên thị trường khó đoán định được diễn biến tiếp theo của quý III cũng như nửa cuối năm.
Từ đầu tháng 4/2020 thị trường chứng khoán (TTCK) trở lại trạng thái “bình thường mới” với thanh khoản gia tăng, được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như xu hướng nới lỏng của các ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng gần 40% kể từ vùng đáy, TTCK đang bước vào nhịp điều chỉnh khi xu hướng gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trên thế giới.
Dự phòng kịch bản xấu
Trong quý II/2020, GDP Việt Nam ước tính tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng quý II thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ khi tất cả khối ngành đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tính chung, nửa đầu năm 2020, GDP Việt Nam tăng khoảng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, chỉ số Vn-Index giảm mạnh kể từ đầu tháng 2 và chạm đáy 659,2 điểm vào ngày 24/3 trước khi phục hồi mạnh trở lại trong tháng 4 và tháng 5. Tính đến ngày 26/6, chỉ số Vn-Index ghi nhận mức giảm 10,8% so với thời điểm cuối năm 2019.
Theo đó, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có thể sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kinh doanh trong nước sẽ có kết quả tốt hơn so với nhóm các công ty xuất khẩu. |
Đơn cử, các ngành hàng tiêu dùng và tiện ích công cộng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các nhóm ngành dệt may, hàng không hay cảng biển. Trong khi đó, mùa kinh doanh của các công ty xây dựng và bất động sản thường rơi vào nửa cuối năm. Do vậy, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này cũng khó ghi nhận kết quả khả quan.
Đối với ngành ngân hàng, kết quả kinh doanh quý II có thể chứa đựng yếu tố gây bất ngờ bởi thu nhập lãi ròng thấp do tăng trưởng tín dụng có thể được bù đắp bởi chi phí dự phòng thấp.
Tuy nhiên, theo VDSC đây chỉ là bút toán kế toán, bởi ngành ngân hàng khó lòng tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh triển vọng toàn nền kinh tế không khả quan, vấn đề chỉ là thời điểm bộc lộ.
Thực tế, những thông tin tốt về kết quả kinh doanh đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong những tuần giao dịch vừa qua. Điển hình như nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có khoảng hơn 1 tháng thăng hoa trước thông tin sẽ cải thiện được kết quả kinh doanh nhờ thị trường chung hồi phục, lượng tài khoản mở mới tăng “chóng mặt”.
Bước sang nửa cuối năm, nhà đầu tư đón nhận hàng loạt thông tin tiêu cực từ làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19 tiếp tục gây tổn hại đến nền kinh tế. Nếu thật sự có làn sóng này xảy ra, tâm lý của các nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị tác động mạnh, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến thị trường đang phụ thuộc lớn vào dòng tiền của các “nhà đầu tư F0” ít kinh nghiệm và dễ bị tổn thương.
Chiến lược đầu tư
Từ những khó khăn kể trên, các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng khi đưa ra quyết định “xuống tiền” bởi thị trường chuẩn bị đi vào vùng trống thông tin hỗ trợ trong tháng 8.
Theo đó, VDSC khuyến cáo nhà đầu tư nên để dành một phần sức mua cho trường hợp thị trường xảy ra kịch bản xấu hơn. Chiến lược ngắn hạn trong mùa công bố kết quả kinh doanh, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân trong các nhịp điều chỉnh và hiện thực hóa lợi nhuận trong các phiên tăng điểm.
Có góc nhìn lạc quan hơn VDSC, VNDirect vẫn kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2020 giúp GDP cả năm đạt mức tăng trưởng 4,5%. Động lực chính nhờ sự hồi phục của các ngành sản xuất và tăng giải ngân đầu tư công, trong bối cảnh các chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng và tỷ giá USD/VND ổn định; lạm phát được kiềm chế ở mức 3,2%.
Chuyên gia thuộc khối phân tích của VNDirect ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn Vn-Index sẽ giảm 5 - 6% so với cùng kỳ. “Vn-Index có thể duy trì ở mức định giá hiện tại và dự báo Vn-Index ở mức khoảng 840-920 điểm vào cuối 2020”, chuyên gia thuộc VNDirect cho biết.
Theo VNDirect, các ngành phục hồi nhanh hơn so với kỳ vọng, đặc biệt là ngành tiêu dùng, bán lẻ, điện, hàng không, công nghệ trong nửa cuối năm 2020. “Tuy nhiên nhà đầu tư nên mua vào trong những nhịp điều chỉnh để giảm thiểu rủi ro”, VNDirect nhận định.
Cũng có cái nhìn tích cực về thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2020, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán MBS khuyến nghị, tăng tỷ trọng lĩnh vực hàng tiêu dùng/bán lẻ, công nghệ, bất động sản, điện; giảm tỷ trọng ngành ngân hàng; quan điểm trung lập với nhóm dầu khí.
Ông Sơn nhấn mạnh, nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường có thể khiến các nhà đầu tư hoang mang nhưng đây lại là vùng mua tiềm năng cho nhịp tăng có thể diễn ra trong quý IV/2020 khi các rủi ro về dịch bệnh giảm bớt và các nền kinh tế dần lấy lại đà hồi phục. Vùng hỗ trợ xoay quanh ngưỡng 780 điểm sẽ là vùng cân bằng tích lũy chọn lọc cơ hội ở những ngành tiềm năng.