Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm
Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu có xu hướng gia tăng đầu tư vào Mỹ. Nếu trước năm 2010, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ rất hạn chế, chỉ duy trì mức dưới 1 tỷ USD, thì sau năm 2010, con số này tăng lên đạt 4,6 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, vốn đầu tư tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đều đặn và cán mốc 46,5 tỷ USD vào năm 2016.
Mặc dù vậy, kể từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, dòng vốn đầu tư này vào Mỹ đã có xu hướng sụt giảm mạnh. Tờ The Hill dẫn số liệu từ Công ty nghiên cứu Rhodium Group cho biết, đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ sau khi đạt đỉnh 46,5 tỷ USD vào năm 2016 đã nhanh chóng giảm xuống trong 1 năm sau đó, còn 29,7 tỷ USD vào năm 2017. Tiếp đến, trong năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ tiếp tục giảm xuống còn 5,4 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua.
Như vậy, tính tổng thể, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới gần 90% trong vòng 2 năm qua. Xu hướng giảm này vẫn chưa chấm dứt và có nguy cơ tiếp tục kéo dài sang năm 2019 khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung vẫn chưa được giải quyết.
Những tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là khởi nguồn cho mọi vấn đề. Đầu tiên, Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan với khối lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như một cách để gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhằm đạt được một thỏa thuận kinh tế có lợi cho Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn bị buộc tội gian lận thương mại cũng như lũng đoạn tài chính và ăn cắp công nghệ.
Để đáp trả lại các cáo buộc và các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt thuế quan riêng đối với các sản phẩm của Mỹ, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, mức đáp trả này không tương xứng do Trung Quốc hiện đang xuất siêu mạnh tại thị trường Mỹ. Do đó, việc giảm đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ cũng có thể được coi là một hình thức trả đũa phi thuế quan của nước này.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại leo thang còn tác động khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, làm gia tăng sự kiểm soát vốn của chính phủ Trung Quốc đối với các khoản đầu tư nước ngoài, từ đó khiến vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm mạnh.
Không những thế, bản thân từ phía Mỹ cũng đang có những động thái siết chặt kiểm soát với các khoản đầu tư đến từ Trung Quốc. Trong năm 2018, Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ đã được mở rộng quyền hạn trong việc quản lý, giám sát các khoản đầu tư nước ngoài tại quốc gia này nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia.
Theo đó, đầu năm 2019, Tập đoàn HNA của Trung Quốc đã phải thừa nhận họ thua lỗ 41 triệu USD sau khi các nhà quản lý Mỹ bắt họ bán tòa nhà trụ sở chính ở số 850 đại lộ Third Avenue, New York vì lo ngại về an ninh gần tháp Trump. Tương tự như vậy vào tháng 3, chính phủ Mỹ đã yêu cầu một công ty Trung Quốc bán ứng dụng hẹn hò của mình vì lo ngại nó có thể trở thành mối họa đối với an ninh quốc gia. Trong khi vài tháng trước đó, Mỹ đã thẳng tay chặn thương vụ gã khổng lồ Alibaba thâu tóm MoneyGram, công ty chuyển tiền nổi tiếng của Mỹ.
Tuy nhiên, các quy định chặt chẽ này đang ảnh hưởng đến những nỗ lực hợp tác của nhiều ngành công nghiệp Mỹ với các nhà đầu tư Trung Quốc, từ đó dẫn tới sự đình trệ trong một số lĩnh vực và tăng trưởng giảm sút tại một số bang.
Theo đánh giá của tờ New York Times, những bang của Mỹ chịu tác động rõ rệt nhất từ việc rút vốn đầu tư từ Trung Quốc bao gồm Michigan, South Carolina, Missouri và Texas. Những bang này vốn được hưởng lợi lớn với tăng trưởng việc làm đến từ dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, do đó việc các nhà đầu tư từ Trung Quốc rời đi sẽ để lại một khoảng trống việc làm tại các bang này, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Lĩnh vực bất động sản cũng chịu tác động mạnh từ việc sụt giảm dòng vốn đến từ các nhà đầu tư đại lục. Theo một báo cáo của Cushman & Wakefield, nhà đầu tư Trung Quốc đang bán tháo các tài sản thương mại và trong năm 2018, các thương vụ bất động sản thương mại được sang tay trị giá tới 3,1 tỷ USD. Trong khi đó, tờ New York Times cũng dẫn báo cáo của Hiệp hội các Nhà bất động sản quốc gia cho biết lượng giao dịch mua nhà tại Mỹ của người Trung Quốc đã giảm tới 65% trong 12 tháng qua tính tới hết quý I/2019, tình hình trong quý II cũng chưa có gì sáng sủa hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đầu tư của Trung Quốc sụt giảm không gây ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế Mỹ vì nó chỉ là một phần nhỏ trong số các khoản vốn đến từ Canada, Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư từ Trung Quốc giảm chi tiêu cho thị trường Mỹ có thể làm tổn thương tới các khu vực vốn đã ít có lợi thế trong tăng trưởng kinh tế và càng đẩy sâu hơn sự phân hóa trong tăng trưởng giữa các khu vực và các bang của Mỹ.