Đầu tư dài hạn sẽ giảm thiểu được rủi ro?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Thông thường, những nhà đầu tư chứng khoán dài hạn được xem là đang đi theo mục tiêu “chậm mà chắc”, là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người không ưa mạo hiểm với lợi nhuận ổn định, bền vững và ít rủi ro. Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán dài hạn không hề dễ dàng, nhà đầu tư phải là người có tính tức thời, khả năng tư duy cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong những năm gần đây, mức độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp (DN) trên thị trường chứng khoán (TTCK) là khoảng 20%/ năm. Do đó, nhiều nhà đầu tư (NĐT) lựa chọn chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu của DN tiềm có tiềm năng tăng trưởng cao để đầu tư và nắm giữ trong dài, có thể từ 3 – 5 năm sẽ đem lại những hiệu quả không ngờ tới.

Lợi nhuận không tưởng

Sự tăng trưởng vượt bậc của CTCP Sữa Việt Nam (mã: VNM) trong nhiều năm qua chắc chắn đã mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù cho các NĐT trung thành. Nếu NĐT chi ra 100 triệu đồng để mua cổ phiếu VNM vào tháng 10/2008 thì đến nay đã gấp lên nhiều lần.

Tại thời điểm đó, thị giá cổ phiếu VNM chỉ giao dịch quanh vùng giá 5.000 đồng/cp. 100 triệu đồng khi đó có thể mua được 20.000 cổ phiếu. Đến nay, Vinamilk đã trở thành DN nằm trong top có vốn hóa lớn nhất TTCK.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10/2019, cổ phiếu VNM đóng cửa tại mức giá 127.000 đồng/ cp. Theo đó, với 20.000 cổ phiếu mua cách đây hơn 10 năm, NĐT đã có khối tài sản lên tới hơn 2,5 tỷ đồng, tức là gấp 25 lần so với giá vốn, chưa kể khoản cổ tức tiền mặt được nhận hàng năm.

Tương tự, một NĐT chia sẻ chỉ mới đầu tư vào cổ phiếu VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup được 2 năm nhưng khoản đầu tư đã có mức lãi gần 171% – một tỷ suất lợi nhuận cao đến khó tin.

Tỷ suất lợi nhuận thậm chí còn cao hơn rất nhiều nếu NĐT “vững niềm tin, bền ý chí” để đầu tư trong những khoảng thời gian dài hơi hơn. Tính theo giá điều chỉnh các lần trả cổ tức, cổ phiếu thưởng thì giá điều chỉnh cổ phiếu VIC tại thời điểm 1/8/2008 – tức cách đây hơn 11 năm là 6.720 đồng/cp.

Như vậy, nếu vững lòng tin vào Vingroup và đầu tư dài hạn cổ phiếu này từ nhiều năm trước, đến nay, mỗi cổ phiếu VIC mà NĐT mua năm 2008 đã đem lại khoản lợi nhuận kếch xù lên tới hơn 1.600%.

Nếu đổ 100 triệu đồng vào cổ phiếu VIC thời điểm đó thì khoản đầu tư này đến nay có giá trị khoảng hơn 1,7 tỷ đồng.

Đặc điểm chung của cả hai cổ phiếu này đều là những DN cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh tăng trưởng đều đặn hàng năm, do đó giá cổ phiếu trên TTCK cũng tăng theo cấp số nhân là điều hợp lý.

Theo kinh nghiệm của anh Khánh – một NĐT lâu năm trên TTCK: “Nếu bạn là NĐT cá nhân, với ít thông tin, ít thời gian thì lựa chọn khôn ngoan nhất là đầu tư dài hạn”.

Các nhà đầu tư ưa thích sự an toàn thường lựa chọn đầu tư dài hạn
Các nhà đầu tư ưa thích sự an toàn thường lựa chọn đầu tư dài hạn
 

Chưa chắc không rủi ro

Trong một phát biểu hồi đầu năm 2019, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, cho biết muốn đầu tư vào một DN cần nhìn vào tiềm năng của đơn vị đó. Tiềm năng của Vinamilk bao gồm quá khứ, hiện tại và đang trông chờ vào tương lai.

Bà Liên nhấn mạnh chỉ trừ khi “nhảy sạp”, còn cứ đầu tư lâu dài vào VNM thì NĐT chỉ có lời và không bao giờ lỗ. Bởi mỗi một năm, Vinamilk đều trích đến 70% lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, ngoài ra còn chia cổ phiếu thưởng.

Thực tế, đầu tư dài hạn chính là một phương thức đầu tư mà bất cứ ai đang có một khoản tiền nhàn rỗi và ít thời gian nên biết. Nhiều người có quan điểm nếu không có nhiều thời gian thì đi gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ tốt hơn, nhưng rõ ràng đầu tư vào những cổ phiếu tốt sẽ đem lại khoản lợi nhuận gấp nhiều lần với cùng một khoản tiền.

Tuy nhiên, muốn trở thành một NĐT dài hạn thành công cần có 2 yếu tố quan trọng là kiến thức và kỹ năng. Cần phải có khả năng phân tích để lựa chọn các DN có tiềm năng tăng trưởng, khả năng sinh lời cao.

Trên thị trường đã có khá nhiều cổ phiếu tưởng là tiềm năng nhưng cũng mang lại không ít đau thương cho các NĐT nắm giữ dài hạn. Cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là một ví dụ điểm hình.

Chào sàn từ tháng 7/2018, với giá tham chiếu 128.000 đồng/cp, cổ phiếu TCB cao “kỷ lục” đối với nhiều cổ phiếu khác trên sàn chứng khoán và bằng cổ phiếu của 3 ngân hàng quốc doanh (VCB, CTG, BID) trên sàn cộng lại khiến nhiều người tỏ ra khá bất ngờ.

Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều NĐT ngay từ khi mở cửa thị trường, giá cổ phiếu này đã giảm hết biên độ 20% xuống còn 102.400 đồng/ cp. Cộng với nghiệp vụ chia tách cổ phiếu, đến nay TCB chỉ còn 23.650 đồng/cp, giảm hơn 81,5% so với giá chào sàn.

Đáng chú ý, trước khi lên sàn, giá cổ phiếu TCB trên sàn OTC cũng được giao dịch với mức trên 100.000 đồng/cp. Nếu nắm giữ cổ phiếu TCB trong khoảng hơn một năm qua, tài khoản của NĐT bốc hơi đáng kể.

Đặc biệt, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, lãnh đạo Techcombank cho biết sẽ giữ lại khoản 10.286 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, cổ đông không nhận được cổ tức vì những mục tiêu kinh doanh của ngân hàng.

Nhìn chung, đầu tư dài hạn hay ngắn hạn cũng đều có những ưu điểm và nhược điểm, quan trọng là NĐT phải tìm được cổ phiếu có cơ hội tăng giá, đây mới chính là cổ phiếu tốt. Bên cạnh đó là sự kiên nhẫn để vượt qua lúc thị trường suy giảm.