Đầu tư ngành nào đón sóng hậu COVID-19?
Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản; bảo hiểm, y tế; nông nghiệp; công nghệ thông tin, tiêu dùng, nhu yếu phẩm… là những ngày được dự báo sẽ được đẩy mạnh hậu đại dịch.
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) mới đưa ra báo cáo dự báo các xu hướng đầu tư thời kỳ hậu COVID-19.
Theo đó, Agriseco cho biết, các quốc đang và sẽ đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hoá logistics. Điều này để đẩy mạnh khôi phục tăng trưởng kinh tế do tác động của đại dịch. Trong dài hạn, cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics phải được hiện đại hoá để tránh tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong tương lai thay vì các phương thức logistics truyền thống hiện nay.
Chuỗi cung ứng thời kỳ đại dịch đã lộ rõ những yếu kém khi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn, không kịp thời và phụ thuộc nhiều vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc. Do đó, theo Agriseco, nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, vật liệu xây dựng, Bất động sản và nhóm logistics.
Nhóm thứ hai, theo Agriseco, nhà đầu tư có thể đầu tư trung và dài hạn vào ngành bảo hiểm và y tế. Báo cáo của Globaldata chỉ ra ngành dược phẩm là ngành đang được ưu tiên đầu tư vào năm 2020. Các chỉ số MSCI về sức khoẻ cũng cho thấy tỷ suất sinh lời tăng cao hơn hẳn so với chỉ số thông thường vào các tháng đấu 2020.
Nhóm ngành thứ ba là Nông nghiệp đặc biệt lương thực và vật tư nông nghiệp. Theo Agriseco, làn sóng toàn cầu hoá được đánh giá đã qua thời kỳ đỉnh cao với việc tình trạng bảo hộ đang gia tăng tại các quốc gia. Thiên hướng càng thể hiện rõ hơn như Chiến lược ly khai của Mỹ tại các tổ chức UNESCO, CPTPP thời Tổng thống Trump, Anh rút khỏi EU. Điều này có thể được thúc đẩy do ảnh hưởng của đại dịch. Mỗi quốc gia cần nâng cao năng lực tự cung, tự cấp, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh lương thực để chuẩn bị cho những sự kiện tương tự. Vừa qua đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các quốc gia dựa chủ yếu vào nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp bị ảnh hưởng. Nguồn cung khan hiếm đã xảy ra cục bộ tại một số quốc gia và khiến giá lương thực tăng mạnh.
Nhóm ngành tiếp theo là BĐS Khu công nghiệp với xu thế chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ. Dự báo của Agriseco cho biết, các biện pháp trừng phạt thương mại với Trung Quốc hậu đại dịch có thể được tăng cường. Điều này sẽ thúc đẩy làn sóng đa dạng hoá và chuyển dịch đầu tư, chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và sang các nước tương tự như Việt Nam, Ấn Độ. Xu thế này không còn mới mà từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu xuất hiện.
Chuyển đổi số giúp nhóm ngành công nghệ thông tin, bán lẻ, tiêu dùng – nhu yếu phẩm hưởng lợi. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra các xu hướng mới và chứng kiến sự phát triển vượt bậc của số hoá khi mọi thứ từ dịch vụ khách hàng trực tuyến, làm việc, học tập từ xa, dịch vụ giao hàng mua sắm online đến việc sử dụng AI để cải thiện hoạt động.
Cuối cùng là xu thế đầu tư vào năng lượng xanh tạo cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp năng lượng tái tạo và các doanh nghiệp với các dự án thân thiện môi trường. Dòng vốn đầu tư các quỹ ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đã tăng hơn 4 lần trong 3 năm trở lại đây và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.