Tăng trưởng xanh: Nội hàm và các chỉ tiêu giám sát
Hiện nay, các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như đẩy mạnh công nghiệp hóa, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học... Đồng thời, bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt.
Từ năm 1972, nghiên cứu của Donella H. Meadows, Dennis L. Meadows et al. 1972 đã đưa ra giới hạn của tăng trưởng. Nếu những xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới về dân số, công nghiệp hóa, ô nhiễm, sản xuất lương thực và sự cạn kiệt tài nguyên tiếp tục không thay đổi, thì tăng trưởng sẽ tới điểm giới hạn trong vòng 100 năm tới.
Trước những thách thức này, tăng trưởng xanh được coi là một chương trình toàn diện, tạo ra hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo chất lượng cuộc sống, giảm thiểu tác động tới môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng này nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Hiện có nhiều định nghĩa về tăng trưởng xanh của các tổ chức quốc tế. Trong những nghiên cứu của Ủy ban Liên Hợp Quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), định nghĩa về tăng trưởng xanh được nêu: “chiến lược để đạt được phát triển bền vững.
Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, trong khi đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường. Đó là một chiến lược tìm kiếm tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng về sinh thái. Cách tiếp cận này tìm kiếm sự hài hòa về tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu thụ của xã hội”.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh bao hàm “thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo các nguồn lực tự nhiên tiếp tục cung cấp tài nguyên và các dịch vụ môi trường thiết yếu cho con người. Để làm được điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới”.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng xanh được định nghĩa “…có hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai”.
Theo Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), “tăng trưởng xanh là mô hình phát triển mới giúp duy trì tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo sự bền vững về khí hậu và môi trường. Tăng trưởng xanh tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của những thách thức này, đồng thời đảm bảo tạo ra các kênh cần thiết cho việc phân phối tài nguyên và khả năng tiếp cận các mặt hàng cơ bản cho người nghèo khổ”.
Trong các văn bản pháp lý của Việt Nam thì “tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”.
Nhìn chung, tăng trưởng xanh có một số nội dung cơ bản là: (i) Tăng trưởng xanh hướng tới việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động đồng thời giảm các tác động đến môi trường; (ii) Tăng trưởng xanh lấy chính các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu làm động lực cho tăng trưởng kinh tế; (iii) Tăng trưởng xanh cũng đồng thời hướng đến các mục tiêu xã hội như giảm nghèo, giảm sự bất bình đẳng như là kết quả của việc xanh hóa nền kinh tế; và (iv) Tăng trưởng xanh là phương thức phát triển kinh tế bền vững, là một bộ phận của phát triển bền vững, không đồng nghĩa và không thay thế phát triển bền vững.
Bên cạnh việc thực hiện kế hoạch hành động hướng tới tăng trưởng xanh, cần thiết phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện này. Theo OECD, khung giám sát thực hiện tăng trưởng xanh gồm 4 nhóm chỉ tiêu chính và một nhóm chỉ tiêu về bối cảnh kinh tế - xã hội. Mỗi nhóm chỉ tiêu cũng bao gồm các nội dung bao hàm và các chỉ tiêu cụ thể:
Bảng 1: Khung giám sát tăng trưởng xanh
Nguồn: OECD 2011
Bên cạnh khung giám sát, OECD 2012 đã gợi ý một khung chính sách về tăng trưởng xanh cho các quốc gia đang phát triển với 3 khía cạnh:
(1) Một kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh để tạo các điều kiện kích thích. Có 6 điều kiện kích thích tăng trưởng xanh: Thay đổi chi tiêu chính phủ, thực thi pháp luật hiệu quả hơn, thay đổi các ưu tiên về giáo dục và đào tạo, chế độ tài nguyên và quyền sở hữu đất đai, tạo điều kiện kích thích cho việc thay đổi tâm lý và hành vi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích hợp đầy đủ các môi quan tầm về bền vững và công bằng.
(2) Các cơ chế lồng ghép tăng trưởng xanh để đảm bảo tìm ra các cơ hội thông qua các hoạt động kinh tế hiện có: Rà soát chi tiêu môi trường công, đánh giá môi trường chiến lược, thành lập hội đồng phát triển bền vững, kế toán xanh.
(3) Các công cụ chính sách tăng trưởng xanh để khai thác các cơ hội trong hệ thống không gian và tài nguyên: Chứng nhận sản xuất và thương mại bền vững, cải cách trợ cấp, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, cải cách tài chính môi trường, tạo khung đầu tư năng lượng xanh và khuyến khích đầu tư năng lượng xanh, doanh nghiệp xã hội xanh bao trùm, mua sắm công bền vững, đổi mới xanh.
---------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Donella H. Meadows, Dennis L. Meadows, et al. (1972). The Limits to Growth. United States of America, Universe Books.
2. GGGI (2011). Green Growth in Motion - Sharing Korea's Experience.
3. OECD (2011). Towards Green Growth. OECD Publishing.
4. OECD (2011). Towards green growth. A summary for policy makers OECD Publishing.
5. OECD (2011). Towards Green Growth: Monitoring Progress. OECD Indicators. OECD Publishing.
6. OECD (2012). Green Growth and Developing Countries - Consultation Draft. OECD Publishing.
7. OECD (2012). Green Growth and Developing Countries. A Summary for Policy Makers. OECD Publishing.
8. UNESCAP (2012). Low Carbon Green Growth Roadmap for Asia and the Pacific - turning resource constraints and the climate crisis into economic growth opportunities. Bangkok.
9. WB (2011). From Growth to Green Growth: A Framework. Policy Research Working Paper 5872.