Đầu tư trực tiếp nước ngoài và những tác động đến kinh tế tỉnh Thái Nguyên
Nghiên cứu nhằm đánh giá sự tác động về kinh tế của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2000 – 2017. Kết quả nghiên cứu cho thấy, FDI có những đóng góp tích cực tới sự phát triển kinh tế địa phương thông qua đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu ngân sách nhà nước và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đóng góp của FDI vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Thái Nguyên còn nhỏ so với quy mô, lợi nhuận và giá trị sản xuất được tạo ra; tác động lan tỏa của FDI còn hạn chế... Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên là tỉnh có điều kiện địa lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội cho hiện tại và tương lai. Đối với Thái Nguyên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng để phát triển nền kinh tế, vì đây không đơn thuần chỉ là vốn, mà kèm theo đó là công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý tiên tiến.
Nguồn lực FDI sẽ tạo động lực thúc đẩy thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với cải cách thể chế kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế. Tính đến tháng 9/2016, tổng số dự án FDI trên toàn Tỉnh là 116 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.185,4 triệu USD, trong đó, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc có 84 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.949,6 triệu USD, chiếm 72% số dự án đầu tư và chiếm 96,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Các dự án FDI tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: Sản xuất linh kiện điện tử; Sản xuất thiết bị di động, điện tử viễn thông; Sản xuất công nghiệp, thép xây dựng; Sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu; Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; Lắp ráp sản phẩm điện tử, in tem nhãn công nghiệp với 94 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.095,68 triệu USD, chiếm 81% tổng số dự án và 99% tổng vốn đầu tư đăng ký và một số các lĩnh vực khác có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên…
Bài viết này đánh giá tác động của FDI đến kinh tế của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2000 – 2017. Đánh giá của FDI được tác giả đo lường bằng sự đóng góp của FDI tới phát triển kinh tế và giá trị sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu ngân sách nhà nước; giá trị xuất khẩu xuất khẩu; tác động lan tỏa của FDI tới các doanh nghiệp địa phương. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế Thái Nguyên trong bối cảnh mới.
Những tác động tích cực
Thứ nhất, đóng góp của FDI đến phát triển kinh tế và giá trị sản xuất của Tỉnh
Thể hiện bằng sự thay đổi của tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn nghiên cứu. Bảng 1 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong giai đoạn 2008 - 2010 với sự gia tăng sản phẩm ngành dịch vụ. Giai đoạn 2013 - 2015, sự bùng nổ của FDI đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, cao nhất trong 10 tỉnh ven thủ đô Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ trong giai đoạn này cũng tăng trên 45% trong giai đoạn 2013-2014.
Hình 1 cho biết sự đóng góp của FDI vào tốc độ tăng trưởng kinh tế nhờ vào sự đóng góp vào giá trị sản xuất của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2000 – 2017. Nếu như trong giai đoạn 2000-2003, giá trị sản xuất của FDI chỉ chiếm 7,93% tổng giá trị sản xuất của tỉnh với giá trị trung bình là 456,16 tỷ đồng thì đến giai đoạn 2016 – 2017, khu vực FDI đóng góp tới 35,9% tổng giá trị sản xuất với 25.728,05 tỷ đồng.
Thứ hai, tác động của FDI đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong các mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 (trong đó, tăng nhanh cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển kinh tế đối ngoại, hình thành một số ngành, sản phẩm xuất khẩu chủ lực). Cơ cấu kinh tế giai đoạn trước của tỉnh Thái Nguyên (Bảng 2) cho thấy, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặt ra đã không được. Tỷ trọng ngành công nghiệp còn khá thấp so với mục tiêu đặt ra, trong khi ngành nông, lâm và thủy sản vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, giai đoạn 2016 – 2017 cho thấy, sự chuyển mình vượt bậc về cơ cấu kinh tế khi tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng đã chiếm tới gần 56% và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn đóng góp hơn 11% trong GDP của toàn Tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông, lâm và thủy sản trong GDP đạt tương ứng 47-48%; 41-42%; 9-10% là hoàn toàn có thể thực hiện được. Vai trò của FDI đối với chuyển dịch kinh tế của tỉnh Thái Nguyên được thể hiện bằng đóng góp đáng kể với sự gia tăng vượt bậc của khu vực FDI vào giá trị sản xuất công nghiệp (Hình 2).
Thứ ba, đóng góp của khu vực FDI vào thu ngân sách nhà nước (NSNN)
Tác động của FDI tới nền kinh tế còn được đánh giá bằng sự đóng góp của khu vực này tới thu NSNN và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên trong giai đoạn nghiên cứu. Thu NSNN trên địa bàn bắt đầu có những tăng trưởng đáng kể trong thời gian gần đây. Thu ngân sách giai đoạn 2013-2015 đã tăng gấp 34 lần so với tổng thu giai đoạn 2000-2003; gấp 17 lần so với bình quân giai đoạn 2004 – 2006 và gấp 11 lần giai đoạn 2007-2009. Xét về cơ cấu thu NSNN trong giai đoạn 2000-2017 cho thấy, nếu bình quân giai đoạn 2000-2003, thu ngân sách từ FDI chỉ chiếm hơn 7% tổng thu NSNN trong 1 năm thậm chí trong giai đoạn 2004-2006, con số này chỉ là hơn 2%, thì giai đoạn từ 2014 đến 2017, đóng góp của FDI vào tổng thu NSNN là gần 10%.
Thứ tư, đóng góp của khu vực FDI vào giá trị xuất khẩu
Các số liệu thống kê cho thấy, lượng vốn đầu tư FDI được thực hiện ở mức kỷ lục trong giai đoạn 2014 đến nay cũng làm cho giá trị xuất khẩu của Tỉnh có bước đột phá. Giá trị xuất khẩu trong giai đoạn 2013-2015 là 11.625,9 tỷ đồng, cao gấp hơn 500 lần so với bình quân giai đoạn 2000-2003 (23,06 tỷ đồng) và gấp gần 77 lần giá trị xuất khẩu bình quân giai đoạn 2010-2012.
Thứ năm, tác động lan tỏa của FDI tới các doanh nghiệp địa phương
Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có tác động lan tỏa đến các dự án đầu tư ở các lĩnh vực khác như: Thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí (khách sạn, sân golf), phát triển đô thị và các dịch vụ khác trong khu vực. Các dự án được lan tỏa gồm:
- Dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Trên địa bàn tỉnh đến nay có trên 15 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phục vụ các dự án, đặc biệt là các dự án của Tập đoàn Samsung. Sau khi dự án này hoàn thành sẽ tạo ra chỗ ở cho trên 50.000 công nhân và người lao động có thu nhập thấp. Tổng vốn dự kiến của dự án đầu tư xây dựng nhà xã hội là trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều công trình xây dựng nhà ở cho công nhân thuê từ các hộ gia đình, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân đang được tiến hành.
- Các dự án dịch vụ, du lịch, giải trí, khách sạn lớn như: Tổ hợp khách sạn Grace; dự án đầu tư Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, dự án 2 bờ Sông Cầu của Tập đoàn Phúc Lộc… Tổng mức đầu tư cho các dự án dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các dự án lớn khác như dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao và giải trí Đông Tam Đảo của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tam Đảo, với diện tích quy hoạch trên 5.000 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD; dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện cao cấp Mani, với diện tích gần 5 ha, tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Các dự án đô thị, nhà ở; các dự án xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp cũng có những bước phát triển rõ rệt.
Quá trình đầu tư và hoạt động các dự án FDI cũng có tác động khuyến khích các lĩnh vực khác trong Tỉnh phát triển, vì trong quá trình xây dựng dự án đã sử dụng khối lượng lớn các sản phẩm vật liệu xây dựng như: xi măng, cát sỏi, đá… Ngoài ra, các ngành nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chung chuyển để cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho các suất ăn công nghiệp cũng được khuyến khích phát triển.
- Phát triển và hiện đại hóa đô thị: Ngày 15/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị xã Phổ Yên và TP. Sông Công. Như vậy, Thái Nguyên là Tỉnh có 2 thành phố và 1 thị xã trực thuộc Tỉnh. Đây là sự kiện góp phần tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên, đặc biệt kinh tế - xã hội phía Nam của Tỉnh, nơi đang thu hút đầu tư rất mạnh, trong đó có đầu tư nước ngoài với sự góp mặt của Tập đoàn Samsung và là nơi tiếp giáp với các địa phương đang phát triển mạnh. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng hạng đô thị còn có nhiệm vụ cải thiện cuộc sống của nhân dân, ở đô thị mới, người dân được hưởng lợi từ cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng dân sinh, chế độ dịch vụ…
Các dự án FDI cũng đã sử dụng một lượng lớn các sản phẩm hàng hóa dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp Thái Nguyên. Điển hình, Tập đoàn Samsung sử dụng 6 nhà cung cấp vệ sinh công nghiệp, trong đó có 2 nhà cung cấp đến từ Thái Nguyên và 2 nhà cung cấp có chi nhánh tại Thái Nguyên với tổng số lao động là 3.960 lao động, trong đó lao động là người Thái Nguyên chiếm 76,2% (3.019 lao động).
Tập đoàn có 2 nhà cung cấp dịch vụ cây cảnh trong đó có 1 nhà cung cấp Thái Nguyên (Công ty cây cảnh Bạch Dương) sử dụng 100% là nhân lực là người Thái Nguyên. Về lĩnh vực an ninh, tập đoàn sử dụng 02 nhà cung cấp với tổng số lao động là người Thái Nguyên chiếm 14% tổng số lao động sử dụng (1.400 lao động). Ngoài ra, Tập đoàn này sử dụng một lượng lớn thực phẩm cung cấp bởi các nhà cung cấp tại Thái Nguyên như hoa quả, đồ uống, rau củ quả… với tổng số tiền lên tới 252.000 USD/tháng.
Những hạn chế và tồn tại
Một là, đóng góp của FDI quá nhỏ so với quy mô, lợi nhuận và giá trị sản xuất được tạo ra
Mặc dù, mức đóng góp của FDI vào thu NSNN có tăng trong các giai đoạn gần đây, nhưng vẫn còn quá nhỏ so giá trị sản xuất được tạo ra (Hình 5). Có thể lấy ví dụ từ nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (2017), năm 2015, Tập đoàn Samsung có lợi nhuận 3,1 tỷ USD (tương đương với hơn 65.000 tỷ đồng), nhưng chỉ đóng 2.623 tỷ đồng thuế vào NSNN (nếu với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là 22% đóng thuế khoảng 13.000 tỷ đồng năm 2015 và trên 20.000 tỷ đồng năm 2016). Điều này là do Samsung được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, hưởng mức 5% trong 9 năm tiếp theo và mức 10% trong 17 năm còn lại của dự án. Nguồn đóng góp NSNN chính của Samsung hiện nay là thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp là không đáng kể.
Hai là, tác động lan tỏa của FDI
Khả năng lan tỏa công nghệ và trình độ quản lý của các dự án FDI tới các doanh nghiệp trên địa bàn cũng là một vấn đề lớn cần sớm giải quyết đối với tỉnh Thái Nguyên. Việc trở thành một đối tác cung cấp linh kiện cho công ty FDI, đặc biệt là Tập đoàn Samsung không hề dễ dàng, do các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, đạo đức kinh doanh… Việc không có doanh nghiệp địa phương nào của Tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của doanh nghiệp này rất thấp, các doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hầu như chưa phát triển.
So với nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, việc chuyển giao công nghệ của Samsung còn rất hạn chế. Các cán bộ, kỹ sư Việt Nam làm việc cho Samsung không dễ dàng được tiếp cận, chuyển giao công nghệ từ Samsung. Công nhân Việt Nam làm việc cho Samsung chủ yếu chỉ được học những kỹ năng đơn giản, ít có khả năng vận dụng nếu không còn làm việc cho Samsung. Đây là một vấn đề cần tiếp tục được làm rõ khi đánh giá tác động lâu dài của Samsung (Đặng Nguyên Anh và cộng sự (2017).
Đề xuất, khuyến nghị
Kết quả nghiên cứu cho thấy, FDI có những đóng góp rất tích cực tới phát triển kinh tế địa phương thông qua đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu NSNN và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đóng góp của FDI còn quá nhỏ so với quy mô, lợi nhuận và giá trị sản xuất được tạo ra; Tác động lan tỏa của FDI vẫn là một trong những hạn chế lớn đối với tỉnh Thái Nguyên. Thực tế này đòi hỏi Thái Nguyên cần tiếp tục đánh giá hiệu quả đầu tư, tác động của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển kinh tế địa phương, để có thể đưa ra định hướng hiệu quả trong thu hút nguồn lực FDI vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong giai đoạn mới.
Mặc dù, mức đóng góp của FDI vào thu ngân sách nhà nước của tỉnh Thái Nguyên có tăng trong các giai đoạn gần đây nhưng còn quá nhỏ so giá trị sản xuất được tạo ra. Năm 2015, Tập đoàn Samsung có lợi nhuận 3,1 tỷ USD (tương đương với hơn 65.000 tỷ đồng), chỉ đóng 2.623 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước, do Samsung được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, hưởng mức 5% trong 9 năm tiếp theo và mức 10% trong 17 năm còn lại của dự án.
Đặc biệt, thực hiện chiến lược thu hút FDI nhằm mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu về thu hút FDI trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và 2030, tỉnh Thái Nguyên cần đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng triệt để cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thủ tục cấp phép và quản lý tại các khu công nghiệp; cắt giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính, tránh phiền hà, rườm rà và phức tạp; tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức; ban hành hàng loạt các chính sách thu hút đầu tư, tăng cường hiệu quả và hiệu lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, cơ khí, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, ô tô, công nghệ cao… Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng các hoạt động xúc tiến đầu tư cần gắn chặt với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư... góp phần nâng cao chỉ số PCI của Tỉnh...
Cùng với đó, nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp gắn với liên kết vùng và liên kết kinh tế, bảo đảm tính khả thi cao, rà soát đưa ra khỏi danh mục khu công nghiệp không khả thi, đề xuất bổ sung những khu công nghiệp mới có lợi thế so sánh tốt, tính khả thi cao; tăng cường quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp, đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư gắn với mục tiêu thu hút các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, đề cao vai trò xúc tiến đầu tư tại chỗ gắn với tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu công nghiệp…
Thái Nguyên cần tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin gắn với hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ làm động lực, tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội; Chú trọng phát triển các dự án FDI công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, đi kèm; Đồng thời, kết hợp thu hút các dự án FDI sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao để phục vụ chính cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI; thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các loại hình dịch vụ tài chính - tín dụng khác để cung cấp nguồn lực tài chính và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI tuyển dụng và sử dụng lao động tại các địa phương trong Tỉnh; tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI xây dựng và phát triển mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng và người lao động; hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI đào tạo người lao động, xây dựng nhà ở cho công nhân…
Đặc biệt, rà soát, đánh giá các quy định, thủ tục về bảo vệ môi trường theo hướng tiết giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường, đẩy mạnh việc phân cấp và ủy quyền trong giải quyết các thủ tục về môi trường; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp thứ cấp đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường hiện đại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá thường xuyên việc chấp hành pháp luật, môi trường của các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp...
Tài liệu tham khảo:
UBND tỉnh Thái Nguyên (2016), Quyết định về việc phê duyệt Định hướng Chiến lược phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;
Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên (2017), Báo cáo các nội dung liên quan đến đầu tư dự án Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Thái Nguyên;
Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên (2016), Báo cáo trực tuyến về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài;
Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên (2017), Báo cáo tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Sở Công Thương, UBND tỉnh Thái Nguyên (2015, 2016, 2017), Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015, 2016, 2017 và các giải pháp chủ yếu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015, 2016, 2017 của ngành Công Thương Thái Nguyên;
Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, Niên giám thống kê của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2000 – 2017;
Đặng Nguyên Anh và cộng sự (2017), Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế - xã hội của công ty Samsung Việt Nam giai đoạn 2008-2017”, Hà Nội.