Một số vấn đề về thu hút nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, trên cơ sở lĩnh hội kinh nghiệm của các quốc gia khác nhau trên thế giới và cũng như khảo sát thực tiễn trong nước, Chính phủ, Quốc hội về xây dựng và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 1988.
Từ đó đến nay, trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn kinh tế thế giới và Việt Nam, mặc dù còn có những tồn tại nhất định song chính sách này được đánh giá là cầu nối quan trọng để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
Sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, cùng với nỗ lực sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển kinh tế - xã hội, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNTAD) khẳng định, Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm 12 nước thành công nhất về thu hút FDI. Những quy định, chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ hàng loạt các rào cản không còn phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam duy trì tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bình quân khoảng 20 đến 25%. Tăng cường thu hút FDI quy mô lớn từ tập đoàn xuyên quốc gia trong danh sách Global 2000 của Forbes vào các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến và dịch vụ hiện đại…
Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và là khu vực có tốc độ phát triển năng động nhất. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18 - 25% trong giai đoạn 1991 - 2018. FDI góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp; thúc đẩy chuyển giao công nghệ…; tác động tích cực với sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước… nâng cao thế và lực của của Việt Nam trên thế giới.
Các nghiên cứu cho thấy, vốn đầu tư FDI là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua. Số liệu tính đến năm 2018, các ngành nghề thu hút FDI cao là công nghiệp (69,4%) tổng vốn đầu tư đăng ký, dịch vụ là 29,6% và nông - lâm - ngư nghiệp là 1%. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp (DN) FDI đang giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu của Việt Nam trong suốt thời gian qua liên tục đạt tăng trưởng và kim ngạch cao gấp 2 - 3 lần khu vực DN trong nước, hiện nắm giữ tỷ trọng đến 72% trong kim ngạch xuất khẩu.
Một trong những điểm nhấn tích cực không thể phủ nhận đó là vốn FDI đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở các địa phương. Điển hình như tại Bình Dương, sau hơn 20 năm tái lập, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh là 14,5%, trong đó nguồn vốn FDI đóng góp vị trí quan trọng. Hiện nay, Bình Dương có 3.523 dự án FDI với vốn đăng ký 32,5 tỷ USD, đưa Tỉnh này trở thành địa phương đứng thứ 3 thu hút vốn FDI nhiều nhất của cả nước. Năm 2018, DN FDI đóng góp 49,6% tổng vốn đầu tư kinh tế - xã hội của Tỉnh, 20% thu ngân sách của địa phương.
Đối với các tỉnh/thành phố lớn của Việt Nam như: TP. Hồ Chí Minh, FDI cũng luôn phát triển song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong suốt 30 năm qua. Lũy kế từ năm 1988 đến 31/12/2017, TP. Hồ Chí Minh có 7.373 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 44,24 tỷ USD. Trong đó, kinh doanh bất động sản thu hút nhà đầu tư nhiều nhất, với 304 dự án, vốn đầu tư đạt 15,15 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 34,22%). Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.596 dự án, vốn đầu tư đạt 14,82 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 33,48%). Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đứng thứ 3 với 163 dự án, vốn đầu tư đạt 3,76 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 8,5%)…
Tồn tại, thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực FDI
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI hiện nay còn một số hạn chế, bất cập như liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Một số dự án chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI còn thấp, chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, chưa chú trọng đầu tư ở các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển...
Nhiều bất cập khác cũng đã được giới nghiên cứu đề cập tới, trong đó đáng chú ý như: Liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước chưa chặt chẽ và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Dự án FDI chủ yếu tập trung ở các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình. Phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu và dịch vụ đi kèm cho sản xuất được nhập khẩu, thay vì được cung ứng bởi các DN trong nước. Mục tiêu tiếp thu công nghệ mới, tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu rất khó khăn và gần như không đạt được.
Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 5% DN FDI sử dụng công nghệ cao, hiện đại. Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất ở khu vực FDI không quá vượt trội so với các DN trong nước, phần lớn ở mức độ trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực. Việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ DN đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển còn hạn chế, chủ yếu là mua hơn là phát triển nâng cao và đổi mới công nghệ. Thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. Chủ trương thu hút FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, chưa đạt yêu cầu và chậm được cải thiện. Đến nay, mới có hơn 100 tập đoàn xuyên quốc gia trong số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, một số dự án FDI chưa bảo đảm tính bền vững về môi trường, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Dư luận đang đặt vấn đề khi một số DN FDI có hành vi chuyển giá như: Khai sai giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu góp vốn dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, tăng nhập siêu, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Cụ thể, tại tỉnh Long An, với 576 dự án FDI đang hoạt động, trung bình mỗi năm có 59,2% đến 73,5% các DN FDI kinh doanh hòa và lỗ vốn. Qua đó, số thuế DN FDI nộp ngân sách nhà nước chỉ chiếm từ 6% đến 22% tổng số thu nội địa. Theo Cục Thuế Long An, việc kiểm soát chuyển giá của DN còn nhiều khó khăn, phức tạp do thiếu nhiều thông tin, dữ liệu để nhận định đối tượng có chuyển giá hay không; nguồn thông tin, dữ liệu từ các giao dịch độc lập để so sánh, ấn định giá trong giao dịch liên kết rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng…
Nguyên nhân dẫn tới những bất cập trên là do nhận thức của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, DN trong nước về vị trí, vai trò của vốn FDI chưa thật sự đầy đủ và thống nhất cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, ngành công nghiệp hỗ trợ và năng lực DN trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh đến thể chế, chính sách và môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam hiện nay chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với các nước tiên tiến và tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới…
Trong bối cảnh mới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với việc thu hút và sử dụng vốn FDI trong giai đoạn tới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI của Việt Nam đang dần đi tới giới hạn. Quy mô dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng giảm, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới đang tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thì việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và dựa vào nhập khẩu để xuất khẩu sẽ trở nên khó khăn hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực. Do đó, việc phải có định hướng khung chính sách, thể chế về đầu tư nước ngoài trong tình hình mới là cấp thiết. Thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng chiến lược và ban hành các cơ chế chính sách thu hút FDI thế hệ mới, với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN FDI lẫn DN trong nước và liên kết được 2 khối này với nhau. Thu hút FDI thế hệ mới được hiểu là kêu gọi và hợp tác đầu tư với các DN nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam và liên kết, hợp tác với DN trong nước…
Bên cạnh đó, Tổ chức Tài chính quốc tế liên kết DN FDI và DN trong nước còn yếu, thể hiện ở giá trị gia tăng nội địa còn hạn chế, đặc biệt trong những ngành có độ phức tạp cao do các hạn chế ở cấp DN, năng lực đổi mới sáng tạo, trình độ quản lý và kỹ năng lao động của DN trong nước. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hiện nay mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, đó là: Tự động hóa sẽ làm giảm lực lượng lao động trong ngành chế biến/chế tạo và dịch vụ, làm giảm bớt lợi thế của những nước có chi phí nhân công thấp. Việc dỡ bỏ rào cản thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh ở các nước có chi phí nhân công thấp trong khu vực, đồng nghĩa với việc Việt Nam không thể tiếp tục lấy giá nhân công thấp làm công cụ marketing thu hút FDI. Việc tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN là một lợi thế đối với Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đó là các nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn giữa các nước có chi phí thấp hơn và những nước có chuỗi cung ứng trong nước phát triển, có lực lượng lao động lành nghề hơn…
Trong bối cảnh mới, với sự trỗi dậy của các nền kinh tế khu vực, cần thay đổi tầm nhìn và tư duy để định hình một chiến lược thu hút FDI “phiên bản” mới mang lại giá trị gia tăng cao.
Nhằm hạn chế những tồn tại, thách thức trong thu hút nguồn lực FDI, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Theo định hướng đề án, phát triển kinh tế - xã hội yêu cầu thực hiện đột phá về thể chế, nhân lực và hạ tầng, đi đôi với cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Về dài hạn, Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người khoảng 22 nghìn USD, tiến tới trở thành một xã hội thịnh vượng và sáng tạo. Mục tiêu cụ thể được đưa ra gồm: Tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì bình quân khoảng 20 đến 25%. Tăng cường thu hút FDI quy mô lớn từ tập đoàn xuyên quốc gia trong danh sách Global 2000 của Forbes vào các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến và dịch vụ hiện đại. Lĩnh vực ưu tiên thu hút là công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, tự động hóa, vật liệu mới...
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (1987), Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987;
2. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư năm 2014;
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Số liệu về tình hình thu hút vốn FDI các năm từ 1988 đến 2018;
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030;
5. Các website: mpi.gov.vn, mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn, baodautu.com.vn…