Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 1988-2018 và một số giải pháp
Những năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có những đóng góp to lớn đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, bổ sung vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1988-2018
Năm 2018 đánh dấu sự kiện 30 năm Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thống kê cho thấy, giai đoạn 1988-2004, tổng vốn FDI đăng ký ở Việt Nam đạt 57,85 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 31,21 tỷ USD. Trong giai đoạn 2005-2018, vốn FDI đăng ký đạt gần 360 tỷ USD, đặc biệt năm 2008, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), vốn đăng ký FDI cao với 71,7 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2007.
Tuy nhiên, từ năm 2009, sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 diễn ra, tiếp đến là khủng hoảng nợ công châu Âu (năm 2010), FDI vào Việt Nam sụt giảm đáng kể. Cùng với việc đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô từ năm 2012, FDI vào Việt Nam cũng đã tăng trưởng trở lại, trong đó giai đoạn 2005-2018, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 160 tỷ USD, tăng khá so với giai đoạn 1988-2004. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005-2018, vốn FDI thực hiện bình quân hàng năm là 45%, thấp hơn giai đoạn 1991-2004 với vốn FDI thực hiện bình quân là 53,96%.
Trong giai đoạn 2005-2017, Việt Nam đã thu hút được trên 20.000 dự án, vốn đầu tư bình quân khoảng 7 triệu USD/dự án. Riêng năm 2018, ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là trên 35,46 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) (2018), vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã đạt mức kỷ lục, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong năm 2018 có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư...
Đóng góp tích cực cho kinh tế
Nhìn lại hơn 30 năm triển khai các chính sách thu hút đầu tư, FDI đã đem lại những giá trị tích cực cho nền kinh tế, cụ thể:
Một là, góp phần bổ sung vốn đầu tư xã hội: Vốn FDI là nguồn bổ sung vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Vốn FDI thực hiện năm 2018 đạt gần 20 tỷ USD là con số lớn, chiếm gần 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội và góp phần 20% giá trị GDP.
Hai là, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng quan hệ đối ngoại, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: Thông qua các doanh nghiệp (DN) FDI, Việt Nam có thể nhanh chóng hợp tác với nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, qua đó từng bước nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Nếu như năm 1995, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI chỉ là 27% so với xuất khẩu cả nước, thì đến năm 2017, tỷ trọng này đã lên đến 72,5%. Tỷ trọng này cho thấy, vai trò của FDI trong thúc đẩy xuất khẩu, góp phần giúp cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư trong những năm gần đây.
Ba là, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Giai đoạn đầu khi FDI tăng là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 đã làm FDI giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo đó cũng sụt giảm rõ nét trong giai đoạn này. Khi FDI có xu hướng tăng trở lại thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng được cải thiện, cụ thể trong giai đoạn 2000-2007, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 7,625%. Năm 2008, FDI tăng mạnh, sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO, nhưng tăng trưởng của Việt Nam lại sụt giảm. Nguyên nhân là do chính sách kiềm chế lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đánh giá lại quá trình thu hút đầu tư FDI giai đoạn 1991-2018 có thể thấy, FDI là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đồng thời, FDI cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế. FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu, tiếp thu những công nghệ tiến tiến, tạo ra những sản phẩm mới, năng suất và có khả năng cạnh tranh. Các DN FDI đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước với giá trị ngày càng gia tăng.
Bốn là, góp phần nâng cao trình độ công nghệ: FDI có thể coi là kênh quan trọng để phát triển công nghệ. Qua khu vực FDI, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới phát triển các ngành sử dụng công nghệ hiện đại như: Điện tử, cơ khí, công nghiệp phần mềm, công nghệ sinh học... Đồng thời FDI còn góp phần thúc đẩy phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp với trình độ khoa học công nghệ tiến tiến hiện đại, tạo ra những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Năm là, tạo công ăn việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện chất lượng nguồn nhân lực: Theo kết quả tổng điều tra lao động việc làm năm 2017 của Tổng cục Thống kê, nếu năm 1995 cả nước mới có khoảng 330 nghìn lao động làm việc trong DN FDI, thì năm 2007 đã tăng lên khoảng 1,5 triệu người và đến cuối năm 2017 tăng lên gần 4 triệu lao động (chiếm 26% tổng số lao động khu vực DN). Ngoài lao động trực tiếp, DN FDI còn gián tiếp tạo ra rất nhiều việc làm với khoảng 5 - 6 triệu lao động.
Thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với cơ sở bên ngoài, khu vực FDI cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tỷ lệ DN FDI tham gia đào tạo cho người lao động tương đối cao, đạt 57% (năm 2017), trong đó, tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%. Qua đó, DN FDI đã góp phần hình thành và phát triển một lực lượng lao động có kỹ năng nghề và du nhập nhiều kinh nghiệm quản trị DN tiên tiến…
Thách thức, khó khăn do tác động hai mặt của FDI
Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng cần phải nhìn nhận cả những thách thức, khó khăn để thấy rõ những tác động hai mặt mà FDI mang lại cho nền kinh tế Việt Nam như sau:
- FDI đã góp phần tăng giá trị nhập khẩu, do hiện nay các DN FDI “gia công” còn chiếm tỷ lệ lớn.
- Liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước chưa đạt như kỳ vọng, tỷ lệ “nội địa hóa” trong một số ngành công nghiệp thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao.
- Nhiều dự án FDI tập trung ở một vài công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động để gia công, lắp ráp và chế biến; Đầu tư của khu vực FDI vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn rất hạn chế.
- Khu vực FDI vẫn còn nhiều hành vi tiêu cực, trốn tránh nghĩa vụ tài chính, một số DN FDI có biểu hiện lạm dụng chính sách ưu đãi, cơ chế “chuyển giá” để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và tình trạng kinh doanh thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh.
- Trong quá trình kinh doanh ở Việt Nam, nhiều DN FDI chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây tàn phá môi trường tự nhiên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi…
Như vậy, cần phải nhìn nhận FDI là ngoại lực quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế, nhưng nếu không quản lý, sử dụng không hiệu quả sẽ phải đối diện với những tác động xấu ảnh hưởng đến quy hoạch, làm mất cân đối cơ cấu đầu tư, cơ cấu vùng, gây ô nhiễm môi trường và tiếp thu khoa học - công nghệ lạc hậu.
Một số giải pháp
Trong thời gian tới, với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, định hướng thu hút FDI phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Cần phải nhìn nhận FDI là ngoại lực quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế, nhưng nếu không quản lý, sử dụng không hiệu quả sẽ phải đối diện với những tác động xấu ảnh hưởng đến quy hoạch, làm mất cân đối cơ cấu đầu tư, cơ cấu vùng, gây ô nhiễm môi trường và tiếp thu khoa học - công nghệ lạc hậu.
Một là, ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, công nghệ ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác…
Hai là, xác định việc thu hút FDI vừa là thời cơ, vừa là thách thức, từ đó xây dựng mối quan hệ hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm, tăng tỷ lệ “nội địa hóa” cần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; Góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, DN và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Đồng thời, cần tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước để tăng tỷ lệ “nội địa hóa”, giá trị cho các sản phẩm tạo ra. Qua đó, mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ba là, có chiến lược đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật làm việc trong các DN FDI về chuyên môn nghiệp vụ, tác phong, thái độ làm việc. Trau dồi cho cán bộ quản lý hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại kỹ năng khai thác thị trường, kỹ năng kinh doanh và luật pháp quốc tế... Quan tâm đến chính sách tiền lương, xây dựng các tổ chức công đoàn trong các DN FDI để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động Việt Nam.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Đảm bảo tính rõ ràng, chi tiết, dễ dàng áp dụng và minh bạch các thủ tục để cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm khuyển khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động này, ngăn tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, trốn tránh nghĩa vụ tài chính qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Đức Trường (2015), Quản lý môi trường tại các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 31, Số 5 (2015) 46-55;
2. Nguyễn Ngọc Hoa, Nguyễn Thúy Vân (2019), Thực trạng thu hút FDI tại Việt Nam giai đoạn 1988-2016, tapchitaichinh.vn, ngày truy cập 20/4/2019;
3. Nguyễn Tấn Vinh, nhìn lại giá trị FDI ở Việt Nam sau gần 30 năm (2017), Tạp chí Kinh tế và dự báo số 01/2017;
4. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2017), Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp, Trung tâm thông tin – tư liệu;
5. Một số website: gso.gov.vn, baodauthau.vn…