Đầu tư vào vàng: nên hay không?
Giá vàng trong nước cũng liên tục lao dốc, khiến túi tiền của người dân Việt bốc hơi nhanh chóng. Có nên đầu tư vào thị trường vàng lúc này không là câu hỏi được nhiều người quan tâm?
Vàng thế giới sẽ tiếp tục lao dốc?
6 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là những biến động dữ dội từ Hy Lạp, hay nền kinh tế đang giảm phanh của Trung Quốc và thị trường chứng khoán đang chao đảo của nước này, mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn không đổ xô tìm nơi trú ẩn ở vàng.
So với mức đỉnh của giá vàng 1.294 USD/ounce hồi đầu tháng 01/2015 thì giá vàng đã tụt đến 11,5% khi về mức 1.145 USD/ounce (ngày16/7/2015). Quan sát diễn biến từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới rung lắc rất mạnh quanh khu vực giá 1.180 USD/ounce và hiện tại đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.150 USD/ounce. Sáng ngày 20/7, giá vàng thế giới có thời điểm sụt 4,2% dưới sức ép của đồng USD mạnh.Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.108 USD/oz, giảm 26,3 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước ở New York, tương đương mức giảm 2,4%. Vào thời điểm chạm đáy trước đó, giá vàng chỉ còn 1.086,2 USD/oz, thấp nhất kể từ tháng 3/2010.
Biểu đồ: Giá vàng thế giới từ 15/1-19/7/2015
Nguồn: vietbao.vn
Theo giới phân tích, nguyên nhân giá vàng giảm mạnh là do giới đầu tư có xu hướng rút khỏi kênh “trú ẩn” này, trước thông tin từ bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, Fed vẫn đang trong lộ trình tăng lãi suất vào cuối năm nay. Các báo cáo về thị trường lao động Mỹ cho thấy sự cải thiện đều đặn cũng như những bất ổn bên ngoài nước Mỹ dường như sẽ không ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu này, đã khiến USD tăng mạnh so với các rổ tiền tệ khác, đồng thời gây sức ép giảm giá vàng, khi kim loại quý này luôn được định giá bằng USD.
Một lý do khác được phân tích là diễn biến từ “cơn bão” chứng khoán trên thị trường Trung Quốc, về bản chất nền kinh tế nước này đang bị mất thanh khoản, người dân bị tích lũy nợ một thời gian dài, vàng sẽ trở thành tài sản “trôi ra” điều này khiến lượng cung vàng tăng mạnh.
Theo những phân tích trên thì thị trường vàng từ nay đến cuối năm còn nhiều biến động phức tạp song vẫn trong xu hướng giảm. Khi xu thế giảm của vàng khá rõ ràng thì các quốc gia không còn động cơ nào để tích lũy, điều này dự báo lực cầu về vàng sẽ tiếp tục giảm.
Thị trường trong nước mất niềm tin với vàng?
Chưa bao giờ niềm tin vào vàng lại suy giảm như hiện nay. Đồng hành với giá thế giới, giá vàng trong nước cũng liên tục lao dốc. So với mức ổn định trên 35 triệu/lượng cuối tháng trước, giá vàng trong nước ngày 16/7 đã trượt dốc về mức 32,67 – 32,87 triệu/lượng, tức là đã mất giá tới hơn 2 triệu/lượng. Sáng 20/7, giá vàng trong nước giảm cầm chừng, Công ty Vàng bạc đá quý SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 32,6 triệu đồng/lượng và 33 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán.
Trước biến động quá mạnh của giá vàng trong nước, nhiều chuyên gia nhận định giá vàng trong nước vẫn đang trong xu hướng giảm. Hiện nay, giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới là xấp xỉ 3,9 triệu đồng/lượng, nới mạnh so với mức3,5 triệu đồng/lượng phiên cuối tuần. Theo dự báo, giá vàng trong nước có thể sẽ tiếp tục giảm nếu sức cung vẫn gia tăng.
Biểu đồ: Giá vàng trong nước từ ngày 20/1 – 20/7/2015
Nguồn: Vietbao.vn
Trong vài ngày gần đây nhiều nhà đầu tư đã quyết định quay lưng với vàng, chấp nhận bán ra để cắt lỗ. Đại diện của phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều thừa nhận trong một tuần gần đây, có hiện tượng người dân đi bán vàng do lo ngại giá xuống. Xu hướng giảm giá dài hạn trên thế giới cùng với các chính sách không khuyến khích nắm giữ vàng của Ngân hàng Nhà nước đã khiến nhu cầu mua vàng thấp.
Trong khi đó, những người có tiền và có thói quen mua vàng tích trữ còn lo ngại vì sợ vàng còn giảm tiếp. Sự nổi lên của một số kênh đầu tư khác trong đó có chứng khoán và đồng USD cũng gây áp lực lên giá vàng trong nước. Những bi kịch mua vàng rồi nắm giữ quá lâu, mua từ khi giá ở mức 49 triệu đồng/lượng, rồi 42 triệu đồng/lượng, rồi ở mức khá an toàn 35-36 triệu đồng/lượng, nhiều người vẫn lỗ nặng đang khiến không ít người mất niềm tin vào vàng.
Cần bình tĩnh trước mọi “con sóng”
TS. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng khiến việc kinh doanh vàng miếng được quản lý chặt chẽ, tâm lý nhà đầu tư cũng không mặn mà với vàng như thời gian trước nữa.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằngtrong thời gian sắp tới, thị trường vàng vẫn thiếu "sóng" (Hạnh Phúc, 2015).
Mức chênh lệch 3,9 triệu đồng/lượng được cho là khá lớn. Vì thế, theo một số chuyên gia, mặc dù giá vàng đang giảm mạnh, nhưng chỉ những ai đang có nhu cầu thực sự về vàng nhằm tất toán các khoản nợ mới nên mua vào thời điểm này, còn những ai có ý định mua để đầu tư thì cần chờ đợi thêm, bởi mua khi chênh lệch giá lớn rất rủi ro.
Các chuyên gia khuyến cáo, đầu tư mua vàng SJC thời điểm này cần thận trọng, nên chờ khi biên độ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới thu hẹp và giá vàng trong nước ổn định hơn.
Đồng thời, người dân không nên chạy theo làn sóng bán tháo vàng để tránh bị thiệt. Tâm lý người dân lâu nay thường mua bán vàng theo thị trường: kéo nhau đi bán hoặc rủ nhau đi mua. Chính những thời điểm giá vàng biến động mạnh như lúc này, nên bình tĩnh, đứng ngoài cuộc quan sát để tránh những rủi ro đáng tiếc.