Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây thúc đẩy liên kết vùng
Sáng 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Các đại biểu đều thống nhất về chủ trương đầu tư dự án và cho rằng dự án này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy liên kết vùng khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.
Đảm bảo tiến độ dự án
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Theo các đại biểu, đây là dự án rất quan trọng trong tổng thể các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội, do đó, các đại biểu đánh giá, việc Chính phủ trình Quốc hội dự án này là phù hợp.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án. Đồng thời, có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Liên quan đến kiến nghị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện Dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang thống nhất cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Đại biểu mong rằng sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sớm triển khai dự án, đáp ứng sự mong mỏi của đồng bảo, cử tri, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Thảo luận nội dung này, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề nghị của Chính phủ báo cáo bổ sung thêm về tính hiệu quả của thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ yêu cầu 2 địa phương có dự án đi qua phải cam kết thật mạnh mẽ trong việc giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể.
Đại biểu cũng cho rằng, cần tính đến lợi ích của hai nhà đầu tư có dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và tuyến đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, theo đại biểu, khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án này theo phương thức đối tác công tư, cần phải tính đến việc hài hòa lợi ích cũng như là chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên, trong đó Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả...
Khả thi trong thu hút đầu tư
Phát biểu giải trình, báo cáo một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ, tại hội trường, tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ rất cao về sự cần thiết phải triển khai dự án đường cao tốc này để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.
Về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này. Theo Bộ trưởng, quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao.
Bộ trưởng cho biết, thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.
Về tác động của dự án đến các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng. Bộ trưởng cho rằng, sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi vào hoạt động, có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.
Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, thời điểm triển khai của dự án đang có thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Thời gian triển khai xây dựng được tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2. Bộ trưởng cho rằng, dự kiến tiến độ là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.