Tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án trọng điểm quốc gia từ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Thùy Linh

Việc kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia; đồng thời, thực hiện kiểm toán sớm quá trình triển khai cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư các dự án.

Thời gian qua, KTNN đã hỗ trợ hiệu quả cho Quốc hội trong quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.
Thời gian qua, KTNN đã hỗ trợ hiệu quả cho Quốc hội trong quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.

Phát hiện kiến nghị kịp thời các bất cập, vướng mắc

Một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn; với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thế chế hóa chủ trương của Đảng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước nói chung và quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia nói riêng tiếp tục được tăng cường, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025; Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Thời gian qua, KTNN đã hỗ trợ hiệu quả cho Quốc hội trong quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia. Theo đó, trên cơ sở hồ sơ, tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, KTNN đã thực hiện phân tích, đánh giá, đưa ra ý kiến của mình về các khía cạnh như: việc đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia; sự cần thiết đầu tư; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương án thiết kế sơ bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ; hình thức đầu tư…

KTNN cũng đưa ra ý kiến đánh giá về tổng mức đầu tư Dự án, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ…

KTNN vừa có trách nhiệm trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định, vừa tham gia ý kiến với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Ý kiến tham gia của KTNN khá đầy đủ, toàn diện, từ việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến các thông tin cơ bản của dự án và việc triển khai thực hiện dự án…

Cùng với việc đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, trong các nghị quyết của Quốc hội cũng giao nhiệm vụ cho KTNN căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm toán việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án. Trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, KTNN luôn luôn đóng vai trò là cơ quan hậu kiểm và có vai trò độc lập. Mặc dù là hậu kiểm nhưng KTNN phải phát hiện, cảnh báo kịp thời để có thể điều chỉnh những bất cập, thiếu sót phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thống nhất công tác chuẩn bị ý kiến

Để việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia được thực hiện một cách bài bản, thống nhất, ngày 27/11/2023, Tổng KTNN đã ban hành Hướng dẫn việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Hướng dẫn này quy định rõ nhiệm vụ, trình tự, thủ tục, nội dung chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, một trong những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng báo cáo ý kiến của KTNN là phải thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu. Bao gồm: thông tin tổng quan về chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (mục tiêu, phạm vi, quy mô; nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn, kế hoạch vốn, phương án huy động vốn; phương án phân chia các dự án thành phần, tiểu dụng án; giải pháp tổ chức thực hiện).

Riêng đối với dự án quan trọng quốc gia cần thu thập thêm thông tin về hình thức đầu tư; công nghệ, kỹ thuật, các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; phương án đầu tư và quyy mô các hạng mục đầu tư; tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư; phương án giải phóng mặt bằng tài định cư, biện pháp bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, KTNN sẽ thu thập thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và quy hoạch; kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia giai đoạn trước; thông tin tổng quan về tình hình ngân sách nhà nước; thông tin kết quả, kiếm nghị kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán…

Trên thực tế, khi mỗi khâu, mỗi công đoạn hoàn thành lập tức KTNN phải vào cuộc để hậu kiểm lại, tức là đến khâu nào phải làm dứt điểm khâu đó. Theo nhiều chuyên gia, nếu làm được như vậy, sau khi công trình hoàn thành có thể bảo đảm được rằng tất cả các công đoạn đều đã được nhìn nhận, đánh giá một cách độc lập. Trong quá trình đó, nếu có vấn đề cần phải chấn chỉnh, điều chỉnh cũng sẽ được xử lý nhanh, kịp thời, nhằm đảm bảo những công trình quan trọng của quốc gia được triển khai sớm nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.

Đại diện một số ban quản lý dự án cũng đề nghị và mong muốn KTNN vào kiểm toán sớm, để giúp cho ban quản lý dự án và nhà thầu thấy được những vấn đề còn thiếu sót nhằm rút kinh nghiệm trong triển khai các công đoạn tiếp theo. Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN cũng ghi nhận và kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.