Cải cách thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa Hải quan
(Taichinh) - Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2015, Tổng cục Hải quan đã thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính.
Cải cách thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa Hải quan
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2015, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính một cách đồng bộ từ xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật cho đến việc tổ chức thực hiện và toàn diện trên các lĩnh vực tài chính; đặc biệt, trong lĩnh vực, Hải quan để triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai nhiều hoạt động và giải pháp nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để những kết quả cải cách sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện giúp doanh nghiệptháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, phát huy mọi nguồn lực xã hội và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2015.
Tổng cục Hải quan đã triển khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (VNACCS/VCIS). Đến nay, VNACCS/VCIS đã được triển khai tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc, đảm bảo chất lượng, không gây xáo trộn hay làm gián đoạn quá trình làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp.Các doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận với hệ thống mới và việc thực hiện thông quan đã đi vào ổn định, việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước của cơ quan hải quan được bảo đảm, chặt chẽ và hiệu quả.
Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát, phân loại, bảo đảm minh bạch, rõ ràng các thủ tục hành chính; Chuẩn hóa, công bố công khai, niêm yết thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đề nghị bãi bỏ 18 thủ tục, thay thế 02 thủ tục;
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, cung cấp thông tin, cập nhật kịp thời cho các doanh nghiệp, cá nhân (người khai hải quan, người nộp thuế) về các văn bản quy phạm pháp luật và quy định thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan dưới nhiều hình thức đa dạng như: trên các trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính; tuyên truyền, cung cấp thông tin trên các phương tiện như báo đài, tờ rơi; đặc biệt là tổ chức tốt, thường xuyên, có hiệu quả các hội nghị đối thoại giữa Hải quan các cấp với cộng đồng doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục Hải quan:
Đối với tất cả các cơ quan Hải quan trên cả nước, thủ tục hải quan điện tử đã trở thành phương thức chủ yếu để tiến hành thủ tục hải quan. Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS vận hành ổn định, không làm gián đoạn quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng của doanh nghiệp. Hiện nay, 34/34 Cục Hải quan, 171/171 Chi cục Hải quan trong phạm vi toàn quốc thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS. Từ 01/01 đến 31/5/2015, có 48,3 nghìn doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử; với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 129,94 tỷ USD; 3,18 triệu tờ khai.
Kế thừa kết quả triển khai của năm 2014, trong 6 tháng đầu năm 2015, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia đảm bảo đúng tiến độ: Triển khai mở rộng tại 05 cảng biển quốc tế thuộc các Tỉnh/TP: Hải Phòng, Quảng Ninh, Ðà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu cho thủ tục hành chính đối với tàu biển xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh; Các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng kiểm do Bộ GTVT quản lý dýới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp ðộ 4 (bao gồm cả việc thanh toán trực tuyến đối với phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính).
Toàn ngành Hải quan đã thực hiện nâng cấp và đưa vào vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT khác trong các lĩnh vực hải quan như: Hệ thống thông quan điện tử, Hệ thống thông tin quản lý rủi ro, Hệ thống kế toán thuế, Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế, Hệ thống xác thực chữ ký số, Hệ thống thông tin quản lý miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ hải quan đã góp phần giảm thiểu giấy tờ do thực hiện thủ tục hải quan: Cắt giảm thời gian khai báo và xử lý tờ khai (Thời gian khai báo chỉ 1-3 giây); Giảm thiểu giấy tờ, giảm việc tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp nhờ áp dụng chữ ký số, khai báo trên hệ thống, thông tin chứng từ kèm theo bộ hồ sơ hải quan được tích hợp trong tờ khai; Hỗ trợ người sử dụng khi khai báo nhờ việc hệ thống cho phép tự động xác định thuế suất cho từng mã HS, tự tính thuế theo từng dòng hàng, khai thông tin trước và được sửa đổi thông tin nhiều lần...; Minh bạch quá trình làm thủ tục hải quan: Hệ thống tự động phản hồi kết quả cho doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp phối hợp với cơ quan hải quan xử lý thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách TTHC Hải quan
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Hải quan xác định cải cách, hiện đại hóa là một đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước. Theo đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN và tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, toàn ngành Hải quan tăng cường trang thiết bị, máy móc kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan: Lắp đặt 11 hệ thống máy soi container tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa bàn trọng điểm; Áp dụng phương thức quản lý hải quan dựa trên quản lý rủi ro về tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra sau thông quan, đẩy mạnh kiểm soát hải quan; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
Bên cạnh đó, các đơn vị Hải quan quyết tâm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro; thực hiện giảm số lượng hàng hóa kiểm tra thực tế xuống từ 10% - 7%, tăng hiệu quả kiểm tra, phát hiện vi phạm lên 1% trong năm 2016 (hiện nay là 0,4% - 0,8%).
Đặc biệt là, ngành Hải quan sẽ bổ sung và nâng cao hiệu quả thực hiện kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container: kiểm tra không có mặt của người khai hải quan, tiến tới không kiểm tra thủ công trừ hàng hóa xuất nhập khẩu từ những địa bàn, lĩnh vực rủi ro,...
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hạ tầng cảng thực hiện cải cách thủ tục hành chính: ưu tiên xếp dỡ, giải phóng hàng đối với doanh nghiệp ưu tiên; thực hiện kiểm tra bằng máy soi ngay khi hàng hóa xuống cảng không có mặt người khai hải quan, giúp ngắn thời gian giải phóng hàng, giảm thời gian và chi phí kho bãi,...
Để triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, các đơn vị Hải quan tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, quán triệt cho các đơn vị, cán bộ, công chức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành nhằm giúp cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị nắm bắt, hiểu rõ yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của nó trong việc thực hiện công tác quản lý hải quan; Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể về công tác cải cách thủ tục hành chính (trước mắt và lâu dài) phù hợp với lộ trình thực hiện của Chính phủ và hiện đại hoá đến năm 2020. Thực hiện việc hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đầy đủ.