Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Nút thắt được tháo gỡ, động lực cho doanh nghiệp

Bảo Thương

Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phân định rõ thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là những trọng tâm cải cách đang được Bộ Tài chính quyết liệt triển khai, hướng đến mục tiêu tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững.

Đơn giản hoá TTHC nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp,
Đơn giản hoá TTHC nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp,

Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, việc cải cách TTHC được xem là một trong những giải pháp then chốt để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực và tạo động lực cho doanh nghiệp.

Với vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước về tài chính, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, đồng thời phân định rõ ràng thẩm quyền giải quyết TTHC.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đơn giản hóa TTHC, Bộ Tài chính đã nhanh chóng tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2025-2026. Song song đó, Bộ đã ban hành Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chương trình này nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện hữu cho hoạt động của doanh nghiệp ngay trong năm 2025.

Thực tiễn triển khai Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ đã ghi nhận những kết quả đáng kể. Bộ Tài chính đã rà soát và báo cáo chi tiết về 928/949 TTHC liên quan đến sản xuất, kinh doanh; 363 điều kiện kinh doanh thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; 274 chế độ báo cáo định kỳ của tổ chức, cá nhân. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian tới.

Đáng chú ý, để nắm bắt sát sao những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 66 Hiệp hội doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài), nhằm tổng hợp ý kiến, từ đó có cơ sở rà soát và điều chỉnh các TTHC thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phân định rõ thẩm quyền, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC

Bên cạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa, công tác phân định thẩm quyền giải quyết TTHC cũng được Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng.

Đến nay, Bộ đã rà soát và thực hiện phân định thẩm quyền giải quyết 37 TTHC của chính quyền cấp huyện xuống cấp xã liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời, đã phân cấp 01 TTHC từ UBND cấp tỉnh xuống UBND cấp xã, 06 TTHC từ Thủ tướng Chính phủ xuống Bộ trưởng, và 01 TTHC từ Bộ trưởng Bộ Tài chính xuống Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất phân định thẩm quyền giải quyết đối với 14 TTHC nội bộ từ cấp huyện về cấp xã.

Trên cơ sở các kết quả rà soát, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định quan trọng có hiệu lực từ ngày 11/6/2025, bao gồm: Nghị định số 125/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Nghị định số 122/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý thuế; và Nghị định số 127/2025/NĐ-CP quy định về phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

Các văn bản mới ban hành là cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục đôn đốc các đơn vị rà soát, công bố các TTHC sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ liên quan đến phân định thẩm quyền.

Tiếp tục triển khai các phương án đơn giản hóa đã được phê duyệt

Bộ Tài chính cũng đang tích cực thực thi các phương án đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 412/QĐ-TTg và Quyết định số 1505/QĐ-TTg.

Đến ngày 14/6/2025, Bộ đã thực thi được 52/81 phương án, trong đó có 16 phương án từ Quyết định số 412/QĐ-TTg (thuộc các lĩnh vực dịch vụ kế toán, thẩm định giá, chứng khoán) và 36 phương án từ Quyết định số 1505/QĐ-TTg (thuộc các lĩnh vực đấu thầu, thành lập và hoạt động của HTX, liên hiệp HTX).

Đối với 29 phương án còn lại, Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để đảm bảo việc thực thi đúng tiến độ.

Những nỗ lực đồng bộ của Bộ Tài chính trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định và phân định thẩm quyền giải quyết TTHC đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu cải cách hành chính, tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Đất nước.

 

Đến nay, Bộ Tài chính đã rà soát và thực hiện phân định thẩm quyền giải quyết 37 TTHC của chính quyền cấp huyện xuống cấp xã liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời, đã phân cấp 01 TTHC từ UBND cấp tỉnh xuống UBND cấp xã, 06 TTHC từ Thủ tướng Chính phủ xuống Bộ trưởng, và 01 TTHC từ Bộ trưởng Bộ Tài chính xuống Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất phân định thẩm quyền giải quyết đối với 14 TTHC nội bộ từ cấp huyện về cấp xã.